Đây cũng là lô hàng gạo xuất khẩu đầu tiên Lộc Trời sử dụng tàu biển dạng hàng rời (bulk carrier) nhằm tiết kiệm chi phí tại thời điểm phí vận chuyển bằng container đang rất cao do ảnh hưởng của Covid-19.
Hiện Tập đoàn Lộc Trời có thể tổ chức sản xuất trên quy mô lớn từ 1.000 ha thông qua các hợp tác xã với sự hướng dẫn của đội ngũ 1.200 kỹ sư 3 Cùng và quy trình tối ưu hoá các khâu giống - canh tác - thu hoạch và vận chuyển với các dịch vụ cơ giới hoá và drone sạ giống, rải phân, phun thuốc giúp nâng cao hiệu quả sản xuất và tiết giảm chi phí. Bên cạnh đó là đội ghe vận chuyển và hệ thống 25 nhà máy lương thực của riêng tập đoàn và các đối tác liên kết đảm bảo năng lực cung ứng 1 triệu tấn gạo mỗi năm cho thị trường trong nước và toàn cầu.
Lô hàng trên 4.000 tấn gạo xuất châu Âu lần này là kết quả chứng minh năng lực tổ chức sản xuất cho các đơn hàng lớn đồng thời khả năng canh tác đưa ra các sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng của các thị trường khó tính nhất của tập đoàn Lộc Trời. Với năng lực này, trong năm 2021, Tập đoàn đã xuất khẩu hơn 80.000 tấn gạo tới các đối tác quốc tế ở châu Âu, Anh, châu Phi, Australia, khu vực Trung Đông và các nước láng giềng ở châu Á. Tổng giá trị xuất khẩu gạo lên tới hơn 1.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 24 % doanh thu gạo của tập đoàn.
Riêng đối với thị trường châu Âu, từ tháng 9/2020, Lộc Trời đã được Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn lựa chọn để xuất khẩu lô hàng gạo thơm đầu tiên đi thị trường châu Âu theo Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - châu Âu (EVFTA) và đã liên tục phát triển thị trường này trong hơn một năm qua và vừa có thêm các đối tác mới tại Thuỵ Điển và Đức trong năm 2021.
Mảng xuất khẩu gạo của Tập đoàn đã tăng gấp khoảng 4 lần về sản lượng và doanh số so với năm ngoái, có thêm 15 đối tác mua hàng mới trên thị trường quốc tế. "Đây là nỗ lực lớn của tập đoàn trong thời gian chuỗi cung ứng toàn cầu bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, chi phí vận chuyển bằng container tăng cao khiến các doanh nghiệp toàn thế giới gặp khó trong việc đáp ứng nhu cầu hàng hóa với chi phí hợp lý", đại diện doanh nghiệp chia sẻ. Ngoài ra, Lộc Trời cũng được ghi nhận là "Doanh nghiệp xuất khẩu uy tín" 3 năm liên tục theo chứng nhận của Bộ Công thương (2018 - 2020).
Ông Nguyễn Duy Thuận, Tổng Giám đốc Tập đoàn chia sẻ, việc xuất khẩu gạo vào các thị trường khó tính là một trong những thách thức hàng đầu đối với Lộc Trời nói riêng và các công ty nông sản nói chung. "Với đơn hàng cuối cùng hơn 4.000 tấn vừa xuất khẩu sang châu Âu trước thềm năm mới, chúng tôi tin rằng năm 2022 sẽ mang lại nhiều cơ hội cho lúa gạo và các loại nông sản được sản xuất theo hướng xanh hơn, bền vững hơn của Việt Nam tại thị trường châu Âu và nhiều thị trường khác, giúp tăng hiệu quả của kinh tế nông nghiệp góp phần vào sự phát triển cộng đồng tại khu vực nông thôn", ông Nguyễn Duy Thuận nhận định.
Thế Đan (Ảnh: Lộc Trời)
Với gần 30 năm phát triển kể từ khi được thành lập năm 1993 với tên gọi Công ty Bảo vệ Thực vật An Giang, Công ty Cổ phẩn Tập đoàn Lộc Trời đã trở thành tập đoàn dịch vụ nông nghiệp hàng đầu Việt Nam, với đội ngũ nhân viên 3.600 người, bao gồm lực lượng kỹ sư nông nghiệp 3 Cùng trên 1.200 người và hàng trăm chuyên gia nghiên cứu giống cây trồng, sản phẩm và giải pháp xử lý mùa vụ, cùng với các quy trình canh tác đáp ứng được tiêu chí chất lượng của các thị trường cao cấp như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Australia... Lộc Trời cũng là đơn vị triển khai canh tác lúa gạo bền vững theo tiêu chuẩn SRP (Sustainable Rice Platform) đạt kết quả 100 điểm hoàn hảo trong hai năm liên tục 2020 và 2021, cùng với hệ thống sản xuất lúa gạo đáp ứng những tiêu chuẩn khắt khe trên thế giới như BRC, Smeta, HACCP, Halal...
Sản phẩm gạo mang thương hiệu Hạt Ngọc Trời cùng với nhiều giống lúa tự lai tạo của Lộc Trời đã đạt nhiều giải thưởng tại các cuộc thi gạo uy tín quốc tế. Bên cạnh đó, tập đoàn nhận giải Thương hiệu Quốc gia (2016, 2018, 2020), là "Doanh nghiệp xuất khẩu uy tín" 3 năm liên tục (2018 - 2020) theo chứng nhận của Bộ Công thương.