Theo báo cáo chưa kiểm toán của Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn (MCK: BSR), so với kế hoạch doanh thu 19.000 tỷ đồng cho quý một, công ty hoàn thành 125% và 31% mục tiêu doanh thu cả năm.
Báo cáo này cho thấy, lợi nhuận sau thế đạt gần 1.300 tỷ đồng, nộp ngân sách hơn 2.700 tỷ đồng. Các mục tiêu đều hoàn thành 33-37% kế hoạch cả năm đề ra. Năm 2018, công ty đặt kế hoạch doanh thu 78.365 tỷ, lợi nhuận trước thuế đạt 3.706 tỷ.
Phát biểu trong hội thảo công tác quản trị trong công ty cổ phần diễn ra hôm 30/3, Tổng giám đốc Trần Ngọc Nguyên cho biết, năm 2017, doanh thu BSR đạt 82.021 tỷ đồng, nộp ngân sách 9.872 tỷ đồng. Sau 8 năm đi vào hoạt động, nhà máy lọc dầu Dung Quất sản xuất 50,4 triệu tấn sản phẩm các loại; tổng doanh thu 881.120 tỷ đồng (tương đương gần 40 tỷ USD).
Cũng tại hội thảo này, TS Lê Xuân Sang, Phó viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam phân tích cơ hội và thách thức đối với sản xuất kinh doanh của BSR; kinh nghiệm quản trị doanh nghiệp hiệu quả khi chuyển sang mô hình công ty cổ phần.
Theo ông, doanh nghiệp có quản trị công ty tốt hơn sẽ có kết quả kinh doanh và giá trị thị trường cao hơn. Điểm quản trị công ty có mối quan hệ cùng chiều với kết quả kinh doanh của doanh nghiệp (được đo bằng ROE và ROA) và giá trị thị trường của doanh nghiệp. Quản trị công ty tốt là cơ sở vững chắc để phát triển doanh nghiệp một cách bền vững.
Trước đó, ngày 17/1, BSR đã tổ chức thành công phiên đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng với giá đấu thành công bình quân là 22.428 đồng một cổ phần. Tổng số tiền thu được là 5.417 tỷ đồng, cao hơn 60% so với số tiền bán dự kiến theo giá khởi điểm. Ngày 1/3, cổ phiếu BSR được niêm yết trên sàn UPCoM (Hà Nội).
Theo phương án cổ phần hóa, BSR có vốn điều lệ dự kiến hơn 31.000 tỷ đồng, tương ứng với 3,1 tỷ cổ phần. Bên cạnh lượng đấu giá công khai tương đương 7,8% vốn điều lệ dự kiến, doanh nghiệp sẽ bán 49% cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược và bán ưu đãi 6,5 triệu cổ phần cho nhân viên. Nhà nước dự kiến nắm 43% vốn điều lệ sau cổ phần hóa.
Huệ Chi