
Ảnh chụp lốc bụi trên bề mặt sao Hỏa tháng 10/2019. Ảnh: NASA/JPL/UArizona.
Camera HiRISE trên tàu vũ trụ Mars Reconnaissance Orbiter (MRO) do nhóm chuyên gia tại Đại học Arizona chế tạo và vận hành. Nó bắt đầu chụp ảnh bề mặt hành tinh đỏ từ năm 2006. "HiRISE từng vài lần chụp các vết tích do lốc bụi để lại, nhưng hiếm khi chụp được một cơn lốc đang chuyển động", Sharon Wilson, thành viên nhóm vận hành HiRISE, cho biết. Bức ảnh được chụp vào đầu tháng 10/2019.
Lốc bụi không phải hiện tượng bất thường ở sao Hỏa. Tuy nhiên, chúng tan rất nhanh nên các nhà khoa học ít khi chụp được một cơn lốc đang hoạt động.
Wilson ước lượng tâm lốc bụi rộng khoảng 50 m. Chiếc bóng dài của cơn lốc cho thấy nó có thể vươn cao tới 650 m. Cơn lốc này xuất hiện ở vùng đồng bằng núi lửa Amazonis Planitia trên sao Hỏa.
Đây không phải lốc bụi cao nhất mà các chuyên gia từng quan sát được trên bề mặt hành tinh đỏ. Tháng 3/2012, HiRISE chụp ảnh một cơn lốc đang hoạt động cao đến 20 km nhưng đường kính không quá lớn, chỉ khoảng 70 m. Ngoài MRO, robot Opportunity cũng từng chụp được một cơn lốc bụi năm 2016.
Thu Thảo (Theo CNET)