Chuyện cầu Đồng Nai có nguy cơ sập bất cứ lúc nào khiến người dân TP HCM hoang mang nhìn lại tình trạng các cây cầu TP HCM. Nhiều "lão" cầu có tuổi 30-50, như Nhị Thiên Đường, Kiệu, Bông, Đỏ, Băng Ky, Lê Văn Sỹ... hằng ngày vẫn phải cõng trên mình lượng xe cộ lưu thông ngày càng tăng.
Bà Nguyễn Thị Lục, cán bộ hưu trí, nhà ở phường 25, quận Bình Thạnh, mỗi lần đi qua cầu Đỏ trên đường Nơ Trang Long đều run rẩy: "Cầu chật hẹp, ọp ẹp, xe cộ đông nguy hiểm quá". Đây là cây cầu chính dẫn từ quận Gò Vấp về Bình Thạnh và đi thẳng ra Bến xe miền Đông để đến Bình Dương, Biên Hòa...
Cầu Đỏ được xây dựng từ những năm đầu thế kỷ, kiểu kiến trúc cũ kỹ, lạc hậu như dùng ván gỗ lát sàn, dầm sắt bong tróc long lên sòng sọc mỗi khi có xe chạy qua. Luồng cầu chính chỉ có 1 làn ôtô chạy nên cứ xe dòng bên này đi thì hướng ngược lại phải chờ. Xe gắn máy có luồng riêng bên cạnh nhưng cũng chỉ chạy vừa 1 chiếc.
Cầu Rạch Chiếc nằm trên xa lộ Hà Nội cũng là con đường huyết mạch từ Bắc vào TP HCM, nên hằng ngày cầu phải chịu đựng một lưu lượng lớn xe quá tải lưu thông. Dù đang rất yếu và già nua nhưng vào giờ cao điểm từng đoàn xe tải chở sắt thép, vật liệu xây dựng, xe container... trên 30 tấn vẫn rầm rầm nối đuôi nhau khiến cây cầu đến rung lên. Ngay bên cạnh cầu Rạch Chiếc hiện hữu là dấu tích cây cầu mới được xây dựng để thay thế, nhưng 2 năm qua chỉ mới làm được trụ.
![]() |
Cầu Văn Thánh, một trong những cây cầu mới nhưng yếu ớt nhất của TP HCM. Ảnh: P.A. |
Lực bất tòng tâm
Mới đầu tuần này, TP HCM đã quyết định chi 5 tỷ đồng để sửa chữa cầu đường trong năm nay, thì trong đó có 1,3 tỷ đồng dành cho việc duy tu hơn 40 cây cầu yếu. Sửa chữa theo nghĩa duy tu chỉ gồm sơn vá cầu là chính.
Theo đánh giá của Sở Giao thông công chính, tất cả cầu yếu, không đồng bộ tải trọng đều có kế hoạch gia cường, sửa chữa hoặc đang triển khai dự án đầu tư xây dựng mới. Tuy nhiên việc thi công đều chậm do nhiều lý do vướng mắc như thiếu vốn đầu tư, chậm giải tỏa mặt bằng, quy định về thi công nội đô phiền hà...
Ví dụ dự án cây cầu lớn Rạch Chiếc mới đang thi công ngon trớn 2 năm trước phải đình lại, vì chưa có sự đồng bộ về quy hoạch với các dự án lớn khác như tuyến đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên, đường sắt trên cao Bình Triệu - Hòa Hưng.
Cầu Đinh Bộ Lĩnh hiện "ế", không có nhà thầu tham gia đấu thầu thi công. Cầu Nhị Thiên Đường 1 còn phải lựa chọn kiến trúc đảm bảo phù hợp với cảnh quan đô thị khu vực.
Công tác đền bù, giải phóng mặt bằng và di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật như dự án cầu Rạch Dơi, cầu Tân Kỳ Tân Quý chậm tiến độ do kinh phí đầu tư lớn, chưa tìm được phương án tài chính hợp lý (khai thác quỹ đất, vận động nhân dân hiến đất).
Do đó, theo Sở Giao thông công chính, biện pháp cấp bách được đặt ra chủ yếu hiện nay là hạn chế xe quá tải trọng thường xuyên qua các cầu yếu. TP HCM lại phải tốn công, sức và tiền để bố trí lực lượng gác cầu 24/24h để đảm bảo phương tiện lưu thông theo đúng với tải trọng quy định.
Kiên Cường