Israel đang đương đầu cuộc chiến đa mặt trận, gồm chống Hamas ở Dải Gaza, Hezbollah ở Lebanon, Houthi ở Yemen, lực lượng dân quân thân Iran ở Syria và Iraq. Tel Aviv cũng đứng trước nguy cơ bùng phát chiến tranh tổng lực với Tehran, khi tuyên bố sẽ đáp trả cuộc tập kích tên lửa đạn đạo đầu tháng này.
Vụ tập kích tên lửa của Iran cũng châm ngòi căng thẳng giữa Israel và Liên Hợp Quốc (LHQ). Ngoại trưởng Israel Israel Katz hôm 2/10 tuyên bố Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres là "người không được chào đón", đồng nghĩa bị cấm nhập cảnh vào Israel, cáo buộc ông ủng hộ Hamas, Hezbollah, Houthi, Iran và sẽ là "nỗi hổ thẹn trong lịch sử LHQ nhiều thế hệ tới".
Động thái của Israel đã vấp phải sự phản đối, chỉ trích của nhiều nước trên thế giới. Giờ đây, Israel tiếp tục gia tăng căng thẳng với LHQ, khi binh lính nước này nã đạn vào ít nhất ba vị trí của Lực lượng Lâm thời Liên Hợp Quốc tại Lebanon (UNIFIL).
UNIFIL cho biết hai binh sĩ Indonesia trong phái bộ đã bị thương sau khi xe tăng Israel hôm 10/10 nã pháo vào tháp canh của lực lượng này ở thành phố Naquora, phía tây nam Lebanon. Loạt vụ nổ thứ hai được ghi nhận gần trụ sở UNIFIL ngày 11/10, khiến hai binh sĩ gìn giữ hòa bình bị thương.
UNIFIL được thành lập năm 1978 để giám sát hoạt động rút quân của Israel sau khi nước này tấn công Lebanon để đáp trả vụ tập kích của các tay súng Palestine. Lực lượng này có khoảng 10.000 binh sĩ với nhiều quốc tịch khác nhau, đóng quân tại nhiều căn cứ rải rác dọc biên giới Israel - Lebanon.
Hoạt động của lực lượng UNIFIL gặp nhiều khó khăn do chiến dịch không kích và tấn công trên bộ chống Hezbollah của Israel. Hơn 2.000 người Lebanon đã thiệt mạng, trong đó nhiều người là thường dân, trong các cuộc không kích dữ dội thời gian qua.
Hình ảnh vệ tinh cho thấy xe quân sự Israel đã bao vây ít nhất một căn cứ của LHQ. Israel đã đưa ra những yêu cầu sơ tán mơ hồ đối với binh sĩ UNIFIL ở một số vị trí, nhưng các quốc gia tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình đã nhất trí duy trì quân số để thực hiện nhiệm vụ.
Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) ra tuyên bố, lưu ý rằng Hezbollah hoạt động ở các khu vực gần căn cứ UNIFIL và lực lượng gìn giữ hòa bình vẫn ở các khu vực "được bảo vệ". Họ nói đã cảnh báo nhân viên UNIFIL nhiều giờ trước khi tập kích.
Tuyên bố của UNIFIL ngày 10/10 cáo buộc lính Israel cố tình nhắm mục tiêu vào ít nhất một căn cứ của LHQ, khai hỏa và vô hiệu hóa camera giám sát căn cứ.
Cuộc tranh cãi chỉ là căng thẳng mới nhất giữa Israel và LHQ, tổ chức quốc tế quan trọng nhất của thế giới. Nghị quyết của Đại hội đồng LHQ tháng trước kêu gọi Israel giải tán các khu định cư trái phép ở Bờ Tây và Đông Jerusalem, điều mà chính phủ Israel không chấp nhận.
Tòa Công lý Quốc tế (IJC), cơ quan tư pháp chính của LHQ, hồi tháng 7 tuyên bố việc Israel chiếm đóng các vùng lãnh thổ và khu định cư của Palestine ở Bờ Tây và Đông Jerusalem là bất hợp pháp, yêu cầu họ rút quân ngay lập tức. Đây là phán quyết mạnh mẽ nhất của ICJ về xung đột Israel - Palestine từ trước đến nay.
Bộ Ngoại giao Israel bác ý kiến của ICJ, gọi đây là phán quyết "hoàn toàn sai" và mang tính một chiều, đồng thời nhắc lại quan điểm chỉ có thể đạt được giải pháp chính trị tại khu vực thông qua đàm phán.
Israel đã nhiều lần chỉ trích LHQ, cho rằng cơ quan này "đã trở thành công cụ thiên vị" của một số quốc gia thành viên bất bình với Israel vì nước này kiểm soát các vùng lãnh thổ của người Palestine. Khi phát biểu tại Đại hội đồng LHQ ở New York hồi tháng 9, Thủ tướng Netanyahu thậm chí mô tả cơ quan này là "nơi tràn ngập bài Do Thái".
Cơ quan LHQ về cứu trợ người tị nạn Palestine (UNRWA) từ lâu nằm trong tầm ngắm chỉ trích của Israel, khi Tel Aviv cáo buộc cơ quan này "đồng lõa" với Hamas. UNRWA bác bỏ cáo buộc.
Sau khi Hamas tấn công Israel hồi tháng 10/2023, chính quyền Israel đã tìm cách cắt nguồn tài trợ cho UNRWA và làm suy yếu sứ mệnh quốc tế của tổ chức này. Nghị sĩ Israel tuần này thúc đẩy dự luật nhằm trục xuất các thành viên UNRWA và tước bỏ đặc quyền của cơ quan LHQ này.
Israel ngày 10/10 dường như đã chuẩn bị tịch thu trụ sở UNRWA tại Jerusalem và biến khu đất dành cho cơ quan này thành nơi xây dựng các khu định cư mới, theo giới quan sát.
LHQ và quan chức phương Tây đã bất bình trước các động thái mới của Israel. Ông Guterres tuyên bố nếu URNWA bị cản trở hoạt động cung cấp viện trợ cho Gaza, "đó sẽ là thảm họa của thảm họa".
Philippe Lazzarini, giám đốc UNRWA, nói trong phiên họp của Hội đồng Bảo an ngày 9/10 rằng dự luật do các nghị sĩ Israel đề xuất là vi phạm luật pháp quốc tế. Ông cảnh báo nếu dự luật trục xuất các thành viên UNRWA được Israel thông qua, nó sẽ làm sụp đổ toàn bộ hệ thống nhân đạo ở Gaza và xóa sổ triển vọng được đến trường của trẻ em Palestine.
"Hơn 650.000 trẻ em sẽ mất hy vọng được tiếp tục học hành và cả một thế hệ sẽ bị hủy hoại", ông nói.
Danny Danon, đại sứ của Israel tại LHQ, nói rằng các nhóm cực đoan đã "xâm nhập" UNRWA sâu tới mức "không thể cứu vãn", tuyên bố những "kẻ khủng bố" điều hành các lớp trong trường học của UNRWA. Quan chức LHQ bác bỏ những cáo buộc của Israel.
Đại sứ Mỹ tại LHQ Linda Thomas-Greenfield dường như đứng về phía UNRWA, nói rằng chỉ "một phần nhỏ" nhân viên của cơ quan này có quan hệ với Hamas và kêu gọi Israel cung cấp thêm bằng chứng cho các tuyên bố của họ.
Lazzarini cho rằng có những mục tiêu lớn hơn đằng sau những căng thẳng giữa Israel và LHQ. "Họ không chỉ nhắm vào UNRWA mà còn nhằm vào bất kỳ cá nhân, tổ chức nào kêu gọi tuân thủ luật pháp quốc tế và giải pháp chính trị hòa bình", ông nói.
Ông khẳng định những nỗ lực của Israel nhằm "tẩy chay" cơ quan LHQ nếu không bị ngăn cản "đồng nghĩa trật tự quốc tế dựa trên luật lệ sẽ sụp đổ".
Thùy Lâm (Theo WSJ, Al Jazeera, Times of Israel)