Thứ hai, 6/1/2025
Chủ nhật, 1/12/2024, 20:00 (GMT+7)

Loạt tranh sơn dầu khắc họa văn hóa Huế

TP HCM14 tranh của họa sĩ Võ Thành Thân lấy cảm hứng từ văn hóa Huế được trưng bày tại bảo tàng Quang San, TP Thủ Đức.

Triển lãm chủ đề "Mộng ảnh" trưng bày 14 tác phẩm bằng chất liệu sơn dầu của họa sĩ Võ Thành Thân. Anh mất ba năm lên ý tưởng, tìm tư liệu, tạo hình và vẽ các bức tranh. "Sinh ra tại cố đô Huế nên tôi muốn truyền tải và lưu giữ những giá trị văn hóa quê hương", họa sĩ 37 tuổi cho biết.

Theo anh, "Mộng" tượng trưng cho ước mơ, "Ảnh" là những dấu ấn đọng trong ký ức. Khi kết hợp "Mộng Ảnh" tạo nên sự đan xen giữa hiện tại với quá khứ, hiện đại và cổ kính, nghệ thuật đương đại cùng truyền thống.

Tốt nghiệp sư phạm mỹ thuật trường Đại học Nghệ thuật Huế năm 2011, Võ Thành Thân nổi bật trong lứa các họa sĩ đương đại với các tác phẩm sơn dầu theo khuynh hướng biểu hiện phương Đông.

Hai tranh mang tên Bé trai - Bé gái, anh nhờ con trai và gái làm mẫu. Hoạ sĩ lấy ý tưởng từ hình ảnh chiếc áo dài và tranh dân gian làng Sình.

Tương tự, bộ tranh Thế nam - Thế nữ cũng tạo hình bằng nghệ thuật giấy vò, cảm hứng từ áo dài truyền thống và tranh làng Sình. Tác phẩm đoạt giải ba cuộc thi và Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam 2023, hiện thuộc bộ sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Hai tranh tĩnh vật cũng được lấy cảm hứng từ đồ vàng mã.

Tranh Căn cước bề trên nói tín ngưỡng thờ cúng của người dân cố đô. Các ban thờ với những kiểu bài trí khác nhau được vẽ san sát theo hàng lối. Nổi bật là ban thờ có ghi lại ngày kinh đô Huế thất thủ (23/5/1885 Âm lịch).

Theo sách Đại Nam thực lục, ngày 23/5/1885, kinh thành Huế thất thủ trước sự tấn công của quân Pháp, hàng nghìn quan quân và dân chúng chết trong cảnh binh đao hỗn loạn. Năm 1894, vua Thành Thái cho xây đàn Âm hồn và hàng năm vào ngày 23/5 âm lịch, triều đình cử hành lễ tế. Vào ngày này hàng năm, nhiều gia đình ở Huế làm mâm cơm cúng tưởng nhớ những người chết trong sự kiện.

Phu Văn Lâu - công trình nổi bật trong quần thể di tích cố đô qua góc nhìn của Võ Thành Thân. Anh thể hiện di tích được gói trong giấy kiếng - loại giấy gói trong bánh in Huế, nhằm bảo tồn di sản này.

Phu Văn Lâu tọa lạc ở gần bờ bắc sông Hương, xây dựng năm 1818, thời vua Gia Long. Công trình có kiến trúc bằng gỗ hai tầng, để niêm yết những chiếu thư, chỉ dụ quan trọng của Hoàng đế và triều đình. Đây cũng là nơi công bố kết quả các kỳ thi do triều đình tổ chức. Phu Văn Lâu được chọn làm biểu tượng ở mặt sau của tờ tiền mệnh giá 50.000 đồng.

Bộ tranh Ngũ thường gửi gắm thông điệp về năm đức tính (nhân, nghĩa, lễ, trí, tín) mà người xưa rất đề cao trong quan niệm Tam cương - ngũ thường.

Tác phẩm thể hiện với ý tưởng những chiếc bánh ngũ sắc của Huế. Đây là loại bánh in được gói trong năm loại giấy màu, tượng trưng ngũ hành (kim, mộc, thủy, hỏa, thổ). Bánh được bày biện lên bàn thờ gia tiên trong dịp lễ Tết.

Triển lãm mở cửa miễn phí các ngày trong tuần (trừ thứ hai), từ 30/11 đến 15/12.

Quỳnh Trần