Thứ bảy, 30/11/2024
Thứ ba, 26/11/2024, 19:00 (GMT+7)

Loạt tranh siêu thực triệu USD của René Magritte

Tranh vẽ tai người đeo chuông, mặt trời xuyên qua lá cây của René Magritte được đấu giá triệu USD.

Hôm 21/11, bức vẽ L'empire des lumières (1954) của René Magritte được Christie's bán thành công với mức kỷ lục 121 triệu USD (3.000 tỷ đồng).

Bức họa nằm trong nhóm 27 tranh cùng tên, gồm 17 tác phẩm chất liệu sơn dầu, 10 thể loại khác, do Magritte sáng tác giai đoạn 1939-1967. Tranh mô tả một ngôi nhà trong thời khắc buổi tối, đối lập phía trên là bầu trời trong xanh.

Magritte được cho là lấy ý tưởng từ bài thơ L'Aigrettecủa André Breton, trong đó có câu: "Si seulement il faisait du soleil cette nuit" (Giá như mặt trời chiếu rọi đêm nay). Ông Max Carter - phó Chủ tịch phụ trách nghệ thuật thế kỷ 20-21 của Christie's - nhận định bức họa có ''ánh sáng phi thường khi nhìn trực tiếp''.

René Magritte (1898-1967) là họa sĩ siêu thực Bỉ. Ông nổi tiếng với các hình ảnh dí dỏm, kích thích tư duy, mô tả loạt vật thể bình thường trong một bối cảnh bất thường. Năm 1916, Magritte theo học trường Mỹ thuật hoàng gia ở Brussels và theo đuổi hội họa chuyên nghiệp. Họa sĩ thể nghiệm nhiều trường phái, từ ấn tượng đến lập thể, vị lai, cuối cùng là chủ nghĩa siêu thực.

Một bản khác của L'empire des lumières do René Magritte thực hiện năm 1961, có giá 79,6 triệu USD tại phiên của Sotheby's hồi tháng 3/2022.

Theo nhà đấu giá, chất thơ và sự bí ẩn là hai yếu tố khiến L'empire des lumières là tác phẩm hấp dẫn nhất của Magritte. ''Đây là bức tranh mang tính biểu tượng của nghệ thuật thế kỷ 20'', Sotheby's cho biết.

Danh mục triển lãm Magritte của Hayward Gallery năm 1992 từng trích dẫn câu nói của tác giả: ''Sau khi vẽ L'Empire des lumières, tôi có suy nghĩ đêm và ngày là một, tồn tại cùng nhau. Cũng như nỗi buồn của người này luôn tồn tại cùng lúc với hạnh phúc của những người khác".

La leçon de musique - tranh vẽ chiếc tai người đeo chuông của họa sĩ được Sotheby's gõ búa 2,95 triệu euro hồi tháng 3/2023.

Magritte sáng tác bức họa năm 1965, hai năm trước khi ông qua đời. Tác phẩm được đánh giá là kiệt tác về chủ nghĩa siêu thực của một trong những nghệ sĩ hàng đầu.

Hai đối tượng trong tranh đặt cạnh nhau bất chấp logic, là ví dụ nổi bật về một chủ đề trung tâm của họa sĩ, có thể bắt gặp ở một số bức vẽ khác như L’Idee, Les Belles relations.

Năm 2018, bức Le Principe du Plaisir được Sotheby's ở New York đấu giá 26,9 triệu USD.

Tranh ra đời năm 1937, thể hiện chủ đề dễ nhận biết trong các sáng tác của Magritte là nghịch lý thị giác và trí tuệ. Trong tác phẩm, gương mặt người đàn ông được giấu sau vầng sáng bí ẩn. Theo nhà đấu giá, bức vẽ khắc họa chân dung Edward James, một nhà thơ lập dị, người bảo trợ của dòng tranh siêu thực, thường mua tác phẩm hoặc hỗ trợ tài chính cho những họa sĩ theo phong trào này.

René Magritte thực hiện tác phẩm L'Ovation năm 1962, chất liệu sơn dầu trên vải. Tranh được Sotheby's gõ búa 14 triệu USD tại New York tháng 10/2020.

Trong L'Ovation, họa sĩ mô tả không gian mênh mông của biển với đường chân trời lớn. Ở trung tâm, ông đặt những tấm rèm màu xanh được sắp xếp như một sân khấu, cho thấy sự tương phản giữa tự nhiên và nhân tạo, bối cảnh trong và ngoài. Bên cạnh đó, các tấm rèm cũng gợi liên tưởng hình ảnh con người.

Cũng trong phiên đấu giá của Sotheby's ở New York cuối tháng 10/2020, bức Rêverie de Monsieur James được bán với giá năm triệu USD.

Bức vẽ được hoàn thiện năm 1943, chất liệu sơn dầu trên vải. Thông tin từ Sotheby's cho biết đây là tác phẩm duy nhất trong sự nghiệp của Magritte có sự kết hợp giữa họa tiết bàn tay và bông hoa. Trong bức thư gửi Edward James, người được nhắc ở tiêu đề bức họa, Magritte nói nhà thơ đã gợi ý cho ông thực hiện sáng tác này.

Bức vẽ The Banquet (Le Banquet) đạt mức 18,14 triệu USD trong buổi đấu giá của Sotheby's ở New York hồi tháng 5.

Họa sĩ sáng tác tranh năm 1955, khi đang ở đỉnh cao sự nghiệp. Bức họa tả thời khắc hoàng hôn trong khu rừng, điểm nhấn là mặt trời đỏ rực xuyên qua các tán cây.

Theo hãng đấu giá, The Banquet một trong những bức phong cảnh siêu thực táo bạo và sáng tạo nhất của René Magritte, được xem là tiền đề cho sự phát triển sau này của series tranh chủ đề ngày và đêm mang tên L'Empire des lumières.

Phương Linh