Diễn ra từ ngày 7 đến 10/1 tại Las Vegas (Mỹ), triển lãm CES 2025 tiếp tục là nơi các công ty công nghệ lớn toàn cầu mang đến ý tưởng cũng như sản phẩm mới nhất, báo hiệu xu hướng của năm. Ngay từ khi chưa diễn ra, các hãng đã bắt đầu trình diễn loạt thiết bị tốt nhất của mình.
Robot hút bụi có "cánh tay"
Roborock Saros Z70 là robot hút bụi đầu tiên trang bị "cánh tay" OmniGrip, dùng để gom đồ trên đường đi, chẳng hạn tất, khăn nhỏ, khăn giấy và dép dưới 300 gram. OmniGrip hoạt động dựa trên hệ thống camera, cảm biến kết hợp AI tự phát triển nhằm nhận dạng và phân loại chính xác. Người mua có thể tùy chỉnh việc dọn vật thể thông qua ứng dụng smartphone.
"Nếu kỷ nguyên AI phát triển thực sự đã đến, tôi tin robot hút bụi sẽ là một trong những thiết bị đầu tiên áp dụng AI", Chủ tịch Roborock Quan Gang nói với CNBC. "Robot hút bụi cũng sẽ trở nên thiết yếu như máy giặt".
Bên cạnh khả năng dọn rác trên đường đi, Z70 cũng được trang bị các tính năng hút bụi, lau sàn. Thiết bị dự kiến bán ra ngày 10/2 với giá từ 1.600 USD (40,6 triệu đồng).
Màn hình cuộn Samsung
Trước thềm CES 2025, Samsung hé lộ ba màn hình OLED cuộn mới, gồm Slidable Flex Solo có thể mở rộng từ 13,3 lên 17,3 inch, hướng đến các mẫu máy tính bảng cao cấp; Slidable Flex Duet mở rộng từ 8,1 lên 12,4 inch, thiết kế riêng cho bảng điều khiển xe hơi; và Slidable Flex Vertical có thể mở từ 5,1 lên 6,7 inch dự kiến ứng dụng cho smartphone.
Samsung cũng giới thiệu tấm nền QD-OLED thứ tư với độ sáng tối đa 4.000 nit, tăng 1.000 nit so với thế hệ trước và là một trong những tấm nền có độ sáng lớn nhất hiện nay. Công nghệ mới giúp QD-OLED đạt độ chính xác màu sắc vượt trội nhờ sử dụng các điểm ảnh phụ đỏ, xanh lá cây và xanh dương riêng biệt. Công ty Hàn Quốc đã trưng bày một nguyên mẫu 77 inch dùng tấm nền mới cho người dùng trải nghiệm.
LG StanbyME 2
Phiên bản TV linh hoạt StanbyME 2 được LG nâng cấp về phần cứng, gồm độ phân giải cao hơn, nhiều cổng kết nối hơn với hai cổng USB-C và HDMI, cộng thêm thời lượng pin tăng thêm 30 phút, lên 3,5 giờ. Tuy nhiên, điểm nhấn của thiết bị nằm ở tính đa dụng. Với phụ kiện hỗ trợ gồm giá đỡ, quai đeo, thiết bị có thể mang trên vai, treo tường, làm bảng quảng cáo, khung tranh...
Màn hình máy tính 500 Hz đầu tiên
MSI trưng bày màn hình MPG 272QR QD-OLED X50 kích thước 27 inch. Với tần số quét 500 Hz cao nhất thế giới cùng thời gian phản hồi 0,03 ms, thiết bị giúp việc trải nghiệm nội dung có tiết tấu nhanh như game bắn súng, nhập vai, thể thao... trở nên tốt hơn, đặc biệt khi thi đấu. Sản phẩm cũng cho hình ảnh sắc nét với độ phân giải 2.560 x 1.440 pixel, chứng nhận VESA DisplayHDR True Black 500 và VESA ClearMR 21000 về hiệu suất hiển thị suất màu sắc và độ sáng.
Màn hình tích hợp AI nhằm nâng cao khả năng hiển thị khi chơi game thông qua các công cụ gồm AI Navigator tinh giản các điều chỉnh cài đặt trong cùng một khu vực giúp có thể đạt hiệu suất tối ưu và trải nghiệm mượt mà, hay AI Dual Mode tự tối ưu nội dung đang hiển thị. Ngoài MPG 272QR QD-OLED X50, một số mẫu có mặt tại sự kiện như MPG 322URX QD-OLED, MPG 274URDFW E16M cũng có tính năng AI này.
Bàn phím "biến hình"
Autokeybo có thể thay đổi trạng thái liên tục. Người dùng có thể nhập dữ liệu, sau đó phẩy tay để kích hoạt cơ chế thu gọn, để lộ phần trackpad và chuột phía dưới. Hệ thống được điều khiển bởi một camera AI theo dõi bàn tay của người dùng.
Theo giới thiệu của nhà sản xuất Autokeybo, cơ chế này giúp người dùng "tránh hàng trăm lần chuyển đổi thủ công mỗi ngày". Dù vậy, mức giá sản phẩm đắt hơn hầu hết phím cơ đang có trên thị trường, với 700 USD (gần 18 triệu đồng).
Thiết bị giao tiếp với anime AI
Character Livehouse có cấu tạo gồm một ống có màn hình độ phân giải 1.200 pixel bên trong. Người dùng có thể lựa chọn nhân vật anime 3D hoặc tự thiết kế trên máy tính, smartphone, sau đó trò chuyện trực tiếp hoặc sử dụng các cử chỉ bằng tay để ra lệnh.
Thiết bị có một camera để điều khiển bằng cử chỉ, một bảng điều khiển màn hình cảm ứng nhỏ và đèn RGB cùng hệ thống AI tự chọn, như ChatGPT, ClaudeAI, Minimax... Code27, công ty đứng sau sản phẩm, cho biết nó có thể "đánh thức người dùng một cách nhẹ nhàng", "cổ vũ" khi họ chơi game, hoặc thì thầm, kể chuyện ru ngủ. Thiết bị dự kiến có giá từ 400 USD (10 triệu đồng).
"Gương sức khỏe"
Chiếc gương thông minh Omnia của Withings (Mỹ) được The Verge đánh giá là "công nghệ sức khỏe tương lai". Thiết bị trang bị camera và một loạt cảm biến, có thể đo lường và hiển thị số liệu sức khỏe như cân nặng, dữ liệu tim mạch và phân tích khả năng trao đổi chất bằng AI, sau đó phản hồi thông qua trợ lý ảo để khuyến cáo người dùng nên thay đổi thói quen hoặc thậm chí thiết lập cuộc tư vấn sức khỏe từ xa với bác sĩ.
Omnia cũng thu thập dữ liệu từ các thiết bị đeo có chức năng theo dõi sức khỏe khác, như smartwatch, máy đo huyết áp, giường thông minh. Withings cho biết trợ lý AI sẽ cung cấp phản hồi hoặc tư vấn theo thời gian thực, có thể trò chuyện "như bạn bè" với chủ nhân của chúng.
Robot "biết nghĩ"
Mi-Mo, sản phẩm của công ty Nhật Bản Jizai, được giới thiệu là "robot AI đa năng có thể tùy chỉnh". Nó tích hợp trí tuệ nhân tạo cho phép "tự suy nghĩ" để thực hiện hành động và thích nghi với môi trường xung quanh thông qua việc thu thập tín hiệu âm thanh, hình ảnh và chuyển động bằng camera và cảm biến. Người dùng có thể yêu cầu nhà sản xuất tùy biến robot để phục vụ các nhu cầu nhất định.
Trình diễn tại CES 2025, Mi-Mo di chuyển trên 6 chân kim loại bọc gỗ, liên tục tạo các hành động thân thiện như chớp đèn hoặc chào hỏi khách tham quan. Yuki Ishikawa, CEO Jizai, cho biết thiết kế bằng gỗ phía ngoài giúp robot trông như món đồ nội thất, nhưng vẫn thông minh để phục vụ nhu cầu mỗi người. Robot có hai phiên bản, gồm bản để bàn giá 3.500 USD (88 triệu đồng) và bản đầy đủ giá 30.000 USD (760 triệu đồng).
Robot tất cả trong một
Tại CES 2025, SwitchBot giới thiệu mẫu K20+ Pro với khả năng "biến hình" để kiêm nhiệm nhiều chức năng, từ hút bụi, lọc không khí, giám sát an ninh đến vận chuyển đồ đạc. Điểm nhấn của robot đến từ FusionPlatform - hệ thống cho phép gắn phụ kiện khác nhau lên robot, giúp thiết bị chuyển đổi linh hoạt giữa các chức năng. Thông qua cơ chế ClawLock, người dùng có thể thay thế module cho mục đích sử dụng riêng trong các điều kiện cụ thể.
Theo SwitchBot, FusionPlatform được thiết kế để mang lại sự tùy chỉnh linh hoạt, có thể mua một thiết bị gia dụng kèm module để phục vụ đa mục đích thay vì một sản phẩm cho một chức năng riêng biệt. Nhà sản xuất chưa công bố giá và thời gian bán ra.
Màn hình theo dõi đầu để tinh chỉnh âm thanh
Dell 32 Plus 4K QD-OLED có thể tối ưu việc nghe nhạc, xem phim và nội dung cần âm thanh, khi sử dụng cảm biến hồng ngoại dưới màn hình để theo dõi đầu bằng AI, cho phép chỉnh âm thanh phát ra từ năm loa 5 W. AI sẽ xác định hướng âm thanh đến mỗi bên tai, qua đó chặn âm thanh ở tai đối diện bằng cách tận dụng "nhiễu phá hủy", xảy ra khi sóng âm ở các pha khác nhau tương tác và triệt tiêu lẫn nhau. Loại công nghệ tương tự hiện được sử dụng trong tai nghe chống ồn chủ động.
Màn hình của Dell có kích thước 32 inch, độ phân giải 4K, tấm nền QD-OLED, tần số quét 120 Hz, thời gian phản hồi nhanh 0,03 ms và hỗ trợ AMD FreeSync Premium. Sản phẩm có giá 800 USD.
Bảo Lâm