Chính quyền Tổng thống Donald Trump ngày 5/3 thông báo đình chỉ chia sẻ thông tình báo với Ukraine, hai ngày sau khi Nhà Trắng ngừng mọi hoạt động viện trợ quân sự cho Kiev.
Truyền thông Anh ngày 6/3 nói rằng các cơ quan tình báo và quân sự nước này nhận lệnh không chia sẻ cho Ukraine những dữ liệu tình báo được Mỹ tổng hợp, cảnh báo động thái có thể giảm uy lực của hàng loạt vũ khí dẫn đường tầm xa được phương Tây viện trợ cho Ukraine, thậm chí khiến chúng trở nên vô dụng.
Trong ba năm xung đột, tình báo Mỹ được cho là thường xuyên cung cấp cho Ukraine tọa độ mục tiêu quan trọng của Nga như sở chỉ huy, kho đạn, trận địa phòng không... Các quan chức Ukraine thừa nhận nỗ lực tập kích vào sâu trong lãnh thổ Nga sẽ khó khăn hơn nhiều sau quyết định dừng chia sẻ dữ liệu tình báo do chính quyền ông Trump đưa ra.
Cường kích Su-24 Ukraine khai hỏa tên lửa Storm Shadow trong video đăng tháng 8/2024. Video: Không quân Ukraine
"Tên lửa hành trình Storm Shadow của Anh phụ thuộc vào dữ liệu tình báo từ Mỹ để bảo đảm độ chính xác. Quân đội Ukraine cũng cần kết hợp chúng với các loại tên lửa mồi bẫy do Mỹ cung cấp để đánh lừa, làm quá tải lưới phòng không Nga", Matthew Savill, giám đốc bộ phận khoa học quân sự tại Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Hoàng gia Anh (RUSI), nhận xét.
Vấn đề tương tự cũng xảy với pháo phản lực phóng loạt HIMARS và M270, những vũ khí từng gây khó khăn cho lực lượng Nga trong nhiều giai đoạn của xung đột. Thông tin tình báo của Washington nhiều lần giúp Kiev lựa chọn mục tiêu ở sâu trong lãnh thổ Nga hoặc các khu vực Moskva kiểm soát, trước khi khai hỏa tên lửa đạn đạo ATACMS với tầm bắn tối đa 300 km.
Những cuộc tập kích trên đã vô hiệu hóa nhiều khí tài Nga, buộc nước này dời các trung tâm hậu cần và căn cứ dã chiến ra xa tiền tuyến hàng trăm km, làm chậm đà tác chiến của lực lượng tiền phương.
Tuy nhiên, tờ Washington Post hôm 6/3 dẫn lời một sĩ quan Ukraine giấu tên cho biết ít nhất một đơn vị vận hành HIMARS không còn được Mỹ cung cấp tọa độ để tập kích mục tiêu ở khoảng cách trên 70 km trong khoảng một tháng qua.
Một sĩ quan Ukraine đang tham chiến tại mặt trận Kursk tiết lộ lần cuối họ nhận được tọa độ mục tiêu từ Mỹ để tiến hành tập kích tầm xa là ngày 3/3. Liên lạc giữa hai bên đã bị đóng băng sau thời điểm này.
"Ukraine hiện không còn nhận được thông tin theo thời gian thực để tiến hành các cuộc tập kích tầm xa", Oliver Carroll, biên tập viên của tờ Economist, nhận xét.

Tổ hợp HIMARS Ukraine khai hỏa nhằm vào vị trí Nga tháng 12/2023. Ảnh: Quân đội Ukraine
Biên tập viên David Axe của tạp chí Forbes cho biết tổ hợp HIMARS cần tọa độ mục tiêu để tập kích chính xác. Dữ liệu này có thể lấy từ các nguồn như vệ tinh do thám, máy bay không người lái (UAV), chặn thu liên lạc vô tuyến hay thậm chí là quan sát bằng ống nhòm.
Các thiết bị trinh sát của Ukraine, đặc biệt là drone, chủ yếu được triển khai ngay tại tiền tuyến hoặc cách đó không xa. Từ phạm vi trên 70 km, Kiev phụ thuộc hoàn toàn vào năng lực do thám tầm xa của Washington.
"Ukraine vẫn có thể tự phát hiện mục tiêu cho pháo HIMARS bằng dữ liệu tình báo của mình hoặc các đồng minh châu Âu. Tuy nhiên, điều này sẽ khó khăn hơn nhiều khi Mỹ ngừng chia sẻ thông tin", Axe nhận định.
Lần gần đây nhất Ukraine phóng tên lửa ATACMS nhằm vào mục tiêu Nga là ngày 16/1, bốn ngày trước khi Tổng thống Trump nhậm chức. Bộ Quốc phòng Nga khi đó tuyên bố đã đánh chặn toàn bộ 6 quả ATACMS hướng đến tỉnh Belgorod và không có thiệt hại trong sự việc.
Ben Barry, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (IISS) có trụ sở tại Anh, cũng nhận định Ukraine sẽ gặp rất nhiều thách thức với những đòn tập kích tầm xa bằng UAV tự sát và tên lửa hành trình trong thời gian tới. Ông lưu ý rằng điều đó không đồng nghĩa Ukraine đã mất khả năng tập kích sâu vào lãnh thổ Nga, song tốc độ hành động và độ chính xác sẽ suy giảm đi nhiều.
"Có khả năng các cuộc tập kích của Ukraine sẽ khiến dân thường thương vong và gây hàng loạt thiệt hại ngoài dự kiến", ông cảnh báo.
Lệnh đình chỉ hỗ trợ tình báo của Mỹ đang khiến Ukraine chật vật tìm cách ứng phó. Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Rustem Umierov nói rằng nước này đang tìm kiếm giải pháp thay thế, đề cập khả năng tìm kiếm hỗ trợ từ Đức.
Giới chức Đức chưa đưa ra phản hồi, trong khi Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Sebastien Lecornu ngày 6/3 tuyên bố Paris có khả năng tự chủ về tình báo và đang chia sẻ thông tin cho Kiev. Về khả năng Anh cùng Pháp hỗ trợ Ukraine về tình báo, ông Lecornu cho rằng đây là "vấn đề phức tạp" do London và Washington cùng là thành viên liên minh tình báo Ngũ Nhãn.

UAV MQ-9 Reaper của Mỹ ở Hawaii tháng 9/2024. Ảnh: Không quân Vệ binh Quốc gia Mỹ
"Rất khó để cơ quan an ninh Anh tách biệt thông tin tình báo do Mỹ cung cấp và dữ liệu tự thu thập. Các trinh sát cơ Anh vẫn hoạt động gần Ukraine và thu thập được lượng lớn dữ liệu, thông tin đó sẽ được chuyển trực tiếp cho người Mỹ", tờ Times cho hay.
Phát ngôn viên của Thủ tướng Anh ám chỉ rằng London vẫn sẽ tiếp tục chia sẻ thông tin tình báo với Kiev, khẳng định lập trường ủng hộ Ukraine về quốc phòng và an ninh "vẫn không thay đổi".
"Dù thái độ của các nước châu Âu như thế nào, lệnh đình chỉ hỗ trợ tình báo của Mỹ vẫn sẽ gây ảnh hưởng lớn tới Ukraine, vì Washington có thể cung cấp các thông tin mà không một ai có", chuyên gia Barry nêu quan điểm.
Phạm Giang (Theo Forbes, Wahsington Post, Times)