Apple III
Máy vi tính Apple III được phát triển năm 1978 sau khi Apple lo ngại vị thế của Apple II bị suy yếu. Đây cũng là máy tính đầu tiên của công ty không phải do nhà đồng sáng lập Steve Wozniak thiết kế. Mỗi thành viên trong nhóm phát triển đều có ý tưởng riêng về tính năng cho Apple III và tất cả được tích hợp vào sản phẩm. Dự án được ban đầu dự kiến được hoàn thành trong vòng 10 tháng nhưng đã kéo dài hai năm.
Tháng 11/1980, Apple III ra mắt với giá bán hấp dẫn khi đó là 3.495 USD. Máy có hiệu suất và bộ nhớ gấp đôi Apple II, tích hợp ổ đĩa mềm, có hệ thống quản lý bộ nhớ tiên tiến cùng hệ thống file phân cấp.
Tuy nhiên, Apple phải thu hồi 14.000 sản phẩm vì thiết kế khung lỗi và gây quá nhiệt. Một phần nguyên nhân là do Steve Jobs không muốn trang bị quạt trong vỏ máy. Vấn đề nghiêm trọng đến mức chip bị bật ra vì sự giãn nở do chênh lệch nhiệt độ. Phiên bản mới Apple III Plus sau đó ra mắt năm 1983, nhưng thiệt hại về danh tiếng không thể khắc phục. Apple III bị ngừng sản xuất vào tháng 4/1984 còn III Plus là tháng 9/1985. Steve Jobs thừa nhận công ty đã mất số tiền không thể đong đếm được khi Apple III thất bại và hàng nghìn doanh nghiệp Mỹ chuyển sang sử dụng máy tính của IBM.
Apple Lisa
Lisa là mẫu máy tính dành cho doanh nghiệp ra mắt năm 1983, được Apple định vị là giải pháp thay thế cho Apple II. Lisa viết tắt của "Local Integrated Software Architecture", nhưng cũng là tên con gái của Steve Jobs. Trong khi các mẫu máy tính thời kỳ đầu có giao diện dựa trên văn bản và nhập liệu bằng bàn phím, Lisa được đánh giá là cỗ máy hiện đại khi đó. Hệ điều hành lưu trên đĩa cứng để có hiệu suất nhanh hơn, có khả năng đa nhiệm, giao diện đẹp, hỗ trợ chuột để nhập liệu và màn hình độ phân giải cao.
Tuy nhiên, với giá khởi điểm 10.000 USD (29.905 USD ngày nay), Lisa quá đắt nên đã thất bại. Đến năm 1986, Apple chỉ bán được 100.000 máy và phải ngừng kinh doanh sản phẩm. Hãng thậm chí phải vứt bỏ 2.700 chiếc Lisa tại một bãi rác ở Utah.
Khi nhìn lại, Steve Jobs cảm thấy Apple đã lạc lối. Trong một cuộc phỏng vấn năm 1985, ông thừa nhận lý do đầu tiên khiến Lisa thất bại là mức giá quá cao.
Newton
Vào tháng 5/1992, John Sculley, CEO Apple khi đó, giới thiệu thiết bị Newton MessagePad tại triển lãm CES. Ông gọi đây là trợ lý kỹ thuật số cá nhân PDA. Máy có kích thước tương đương cuốn băng VHS, dùng bút stylus, lưu trữ danh bạ và quản lý lịch - tính năng cơ bản của smartphone ngày nay nhưng mang tính đột phá cách đây 30 năm.
14 tháng sau, Newton có mặt trên thị trường với giá 900 USD. Tuy nhiên, tính năng được quảng cáo nhiều nhất là nhận diện chữ viết tay lại không hoạt động và bị chế giễu trên các phương tiện truyền thông. Thậm chí, Newton còn trở thành trò cười trong phim hoạt hình The Simpsons.
Apple cải tiến Newton OS 2.0 năm 1996, nhưng đã quá muộn để cứu vãn doanh số. Quan trọng hơn, Jobs ghét thiết bị này với lý do Chúa đã ban cho con người mười bút cảm ứng (mười ngón tay) nên không cần phát minh ra cái khác. Ngay khi trở lại Apple năm 1997, ông đã loại bỏ dòng sản phẩm này. Apple chi tới 100 triệu USD để phát triển Newton với 8 phiên bản nhưng chỉ bán được 200.000 máy.
Macintosh TV
Macintosh TV được coi là thiết bị đi trước thời đại của Apple. Sản phẩm ra mắt năm 1993, là sự kết hợp giữa một máy tính LC520 và một TV Sony Trinitron CRT 14 inch với vỏ ngoài màu đen thay vì màu be phổ biến thời bấy giờ, đi kèm ổ CD-ROM và điều khiển từ xa. Tuy nhiên, người dùng chỉ có thể chọn sử dụng để xem TV hoặc sử dụng như máy tính do thời đó, tính năng Picture in Picture chưa ra đời. Ngoài ra, model cũng không cho phép ghi hình lại chương trình TV mà chỉ cho phép chụp lại các khung hình tĩnh của chương trình phát sóng.
Macintosh TV có hiệu năng mạnh nhưng chỉ có RAM tối đa 8 MB, thấp hơn mức tối đa 36 MB của LC520. Ngoài ra, mức giá lên tới 2.099 USD, đắt hơn so với việc mua rời mẫu LC520 và TV. Sản phẩm ngừng bán chỉ sau hai năm với doanh số 10.000 sản phẩm.
Pippin
Sản phẩm ra mắt năm 1996 là sự hợp tác của Apple với công ty trò chơi Nhật Bản Bandai, nhưng thất bại do tiếp thị kém cũng như giá quá cao. Pinpin xuất hiện vào thời kỳ đỉnh cao của máy chơi game, trong khi máy tính cho gia đình chưa phổ biến. Apple dự định thay đổi thị trường bằng một thiết bị kết hợp giữa máy tính và máy chơi game.
Pinpin trang bị nhiều tính năng mà các đối thủ không có, đa dạng cổng kết nối như modem, máy in và thậm chí cho phép kết nối với bàn phím và chuột. Tuy nhiên, chính việc kết hợp giữa máy chơi game và máy tính lại là nguyên nhân thất bại của sản phẩm, bởi làm mức giá của Pinpin lên tới 650 USD, đắt hơn 400 USD so với các đối thủ như PlayStation hay Nintendo 64. Danh mục trò chơi chỉ có 25 game, quá ít so với của Sony hay Nintendo.
Sau khi Steve Jobs trở lại Apple năm 1997, ông đã xoá sổ dự án, khiến Banda phải ngừng sản xuất Pinpin vào giữa năm đó. Apple từng hy vọng bán được nửa triệu máy mỗi năm, nhưng doanh số chỉ đạt 42.000 máy trong vòng đời ngắn ngủi của nó.
20th Anniversary Macintosh
Model này ra mắt tháng 3/1997 để kỷ niệm 20 năm hoạt động của Apple. 20th Anniversary Macintosh, còn gọi là TAM, có thiết kế độc đáo và lạ mắt với nhiều tính năng mới lạ khi đó như màn hình phẳng LCD 12,1 inch tích hợp, ổ đĩa CD gắn theo chiều dọc, bộ thu sóng TV/FM. TAM chạy một phiên bản tùy chỉnh của Mac OS 7.6.1, có hệ thống âm thanh Bose 2.1 với hai loa treble và một loa siêu trầm tích hợp.
Mức giá 7.500 USD khiến doanh số thấp hơn kỳ vọng. Chỉ 12.000 máy được sản xuất và nhiều trong số đó còn chưa bán ra thị trường. Trước khi bị xoá sổ vào tháng 3/1998, sản phẩm được giảm giá xuống 2.000 USD, nhưng khiến những người mua trước đó tức giận. Apple buộc phải đền bù bằng cách tặng thêm một chiếc PowerBook mới.
Power Mac G4 Cube
Power Mac G4 Cube ra mắt ngày 19/7/2000 và được xem là tác phẩm nghệ thuật về thiết kế công nghiệp. Model này do Johnathan Ive thiết kế. Máy có kích thước chỉ bằng một phần tư so với hầu hết PC có mặt trên thị trường thời đó. Nó đại diện cho một loại máy tính hoàn toàn mới khi tất cả linh kiện được sắp xếp trong một thùng máy vuông bằng nhựa acrylic trong suốt có kích thước chỉ 8 inch. Steve Jobs gọi đây là máy tính tuyệt vời nhất.
Tuy nhiên, vỏ nhựa trong suốt của máy thường xuyên bị lỗi giống các vết nứt. Việc sử dụng kết nối cắm dây làm hỏng tổng thể thiết kế sản phẩm cũng như khả năng nâng cấp bị hạn chế. Mức giá đắt đỏ 1.799 USD một lần nữa khiến máy kén khách. Chỉ sau một năm ra mắt, Power Mac G4 Cube bị ngừng sản xuất. Tim Cook, CEO Apple, từng nói đây là sản phẩm thất bại ngay từ ngày đầu.
Huy Đức (theo Macrumors)