Võ Nguyên Giáp - Vị tướng của nhân dân
Ấn phẩm do phó giáo sư, tiến sĩ Vũ Trọng Lâm - giám đốc, tổng biên tập Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật - chủ biên, dựa trên các nguồn tư liệu từ báo chí, người thân của Đại tướng Võ Nguyên Giáp cung cấp.
Sách mở đầu với bài tổng luận cùng tên tiêu đề, phác thảo cơ bản hơn 80 năm đại tướng hoạt động cách mạng. Sau đó, tác phẩm chia thành ba phần: Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Dấu ấn Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong những chiến công của Quân đội nhân dân Việt Nam, Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong trái tim nhân dân và bạn bè quốc tế. Trong đó phần thứ hai làm rõ tài năng quân sự của đại tướng qua năm chiến dịch Việt Bắc, chiến dịch biên giới Thu Đông, Hòa Bình, Tây Bắc và Điện Biên Phủ.
Ngoài nội dung được chắt lọc, tác phẩm có nhiều hình ảnh tư liệu sống động về chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp, làm nổi bật các sự kiện tiêu biểu, bước ngoặt quan trọng trong sự nghiệp cách mạng của ông.

Sách ảnh ''Võ Nguyên Giáp - Vị tướng của nhân dân''.
Dịp kỷ niệm 71 năm thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2025), Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật cũng giới thiệu các đầu sách tiêu biểu. Điện Biên Phủ - Lịch sử và ký ức tuyển chọn các bài viết phân tích, đánh giá của các tướng lĩnh có mặt trực tiếp, chỉ huy, tham gia chiến dịch, những nhà khoa học, nhà bình luận quân sự, nhà văn, nhà báo ở trong và ngoài nước. Ấn phẩm Viết về Điện Biên Phủ thể hiện góc nhìn khách quan, đồng thời là những hồi ức, suy ngẫm của tác giả Thép Mới - phóng viên tại chiến trường khi ấy. Ông hoạt động giữa khói lửa bom đạn, chứng kiến ngày chiến thắng, mang đến loạt bài báo chân thực kết hợp chất phóng khoáng của văn học.
Không phải huyền thoại
Trong tiểu thuyết lịch sử đầu tiên về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhà văn Hữu Mai tìm ra khía cạnh phi thường của một con người có những quyết định ảnh hưởng đến sinh mệnh đất nước. Ngoài ra, bạn đọc được tìm hiểu kỹ hơn về quyết định khó khăn nhất của đại tướng, hoãn cuộc tổng tiến công, chuyển từ phương châm ''đánh nhanh, thắng nhanh'' sang ''đánh chắc, tiến chắc''.
Ngoài nhân vật trung tâm là đại tướng, cố tác giả dành nhiều trang viết cho các tướng lĩnh thân cận ông, những binh sĩ, cố vấn quân sự nước bạn. Tác giả cũng đề cập diễn biến ở phía địch bằng nghiên cứu, đánh giá khách quan về cuộc chiến chống thực dân Pháp.

Tác phẩm ''Không phải huyền thoại'' ra đời trong cuộc ''Vận động sáng tác văn học sử thi về đề tài chiến tranh cách mạng và lực lượng vũ trang nhân dân'' (2001-2004) của Bộ Quốc phòng.
Điện Biên Phủ - Thời gian và không gian
Sách là câu chuyện về Điện Biên Phủ qua lời kể của nhiều thế hệ. Đó là đại tá Quý - từng vào hầm chỉ huy tướng De Castries, cô Thanh - người được sinh ra sau trận đánh và lớn lên tại mảnh đất này, là cán bộ giới thiệu tham quan bảo tàng Điện Biên Phủ.
Tác phẩm của nhà văn Hữu Mai còn cho thấy góc nhìn của nhà nghiên cứu sử học người Pháp André và nhà báo châu Phi Mohamed. André từng có mặt trong đội quân đồn trú ở Điện Biên Phủ. Mohamed cũng tham chiến, may mắn sống sót. Họ trở về thăm chiến trường xưa, giải tỏa nỗi niềm quá khứ và tìm lại những mối ân tình nơi đây.

Ấn phẩm 156 trang, in lần thứ nhất năm 2024.
Một ấn phẩm khác của nhà văn Hữu Mai được Nhà xuất bản Trẻ giới thiệu dịp kỷ niệm là Hoa ban đỏ, tái hiện chiến thắng Điện Biên Phủ, đồng thời kể về những người tham gia chiến đấu. Năm 1994, sách được dựng thành phim cùng tên, do đạo diễn Bạch Diệp thực hiện, quy tụ các diễn viên như Nghệ sĩ Nhân dân Thu Hà, Trần Lực, Trung Hiếu.
Bốn năm sau và những trang viết về Điện Biên

Sách của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng được con trai ông - Nguyễn Huy Thắng - biên soạn và chú dẫn.
Trong phần đầu, tác phẩm đề cập công cuộc tái thiết Điện Biên của các chiến sĩ sư đoàn 316 vào bốn năm sau ngày giải phóng. Phần thứ hai là những trang nhật ký của nhà văn, thư gửi về cho gia đình, bạn bè, sinh hoạt văn nghệ trong chuyến đi thực tế hơn bốn tháng (8-12/1958) tại Điện Biên. Điểm nhấn là những dòng thư của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, thể hiện phẩm chất chân thành của ông trong công cuộc kiến thiết Tổ quốc. "Ông trân trọng từng kết quả lao động của các chiến sĩ cũng sâu sắc như lòng cảm thông với những khó khăn, thắc mắc của họ'', tác giả Nguyễn Huy Thắng nói.
Chuyện ở đồi A1
Ấn phẩm là cuộc trò chuyện giữa cậu học sinh Tuấn Kiệt và người ông từng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, thuộc tiểu đoàn 251, trung đoàn 174, đại đoàn 316. Sáu phần của tác phẩm được sắp xếp theo trình tự thời gian, tái hiện chiến trường đồi A1 của 71 năm trước. Xen kẽ những câu chuyện, người ông giải nghĩa các thuật ngữ được dùng trong quân sự, giúp nội dung sách gần gũi bạn đọc. Không chỉ miêu tả lại chiến tranh khốc liệt, tác giả cho thấy tinh thần lạc quan, niềm tin vào chiến thắng của những người lính.

Bìa cuốn ''Chuyện ở đồi A1''.
Phương Linh
Ảnh: NXB cung cấp