Nhịp sôi động của thị trường ôtô Việt Nam được hâm nóng trong tháng 6/2019 với hàng loạt mẫu xe mới ra mắt. Mảng xe phổ thông đón nhận nhiều sản phẩm mới lần đầu bán ra, hứa hẹn những cuộc đua tranh hấp dẫn với các đối thủ.
Mazda CX-8
Sau quãng kinh doanh tương đối nhạt nhòa của CX-9, Trường Hải trở lại cuộc đua với các đối thủ ở phân khúc xe đa dụng 7 chỗ bằng việc giới thiệu CX-8 hôm 23/6. Định hướng lắp ráp thay vì nhập khẩu cho thấy toan tính dài hơi của hãng có nhà máy tại Chu Lai, Quảng Nam.
Với nhiều khách hàng, CX-8 không đem đến những tranh luận kiểu đẹp-xấu bởi mẫu CUV như một bản phóng lớn của CX-5. Thay vào đó, sự chú ý đổ dồn về việc xe là bản thu nhỏ của CX-9 hay đơn giản là CX-5 được nâng tầm. CX-8 định vị giữa hai mẫu xe gầm cao của Mazda, lấy công nghệ và trang bị an toàn làm yếu tố chính thu hút khách hàng.
Mức giá 1,149-1,349 tỷ đồng của Mazda CX-8 được hãng cho biết chỉ là con số ưu đãi, giá sẽ tăng trong thời gian tới. Ngoại hình mượt mà tương tự CX-5 và đã có thời gian đo lường bởi người tiêu dùng là cơ sở để CX-8 hướng đến mục tiêu doanh số tích cực. CX-8 cạnh tranh không ít đối thủ mạnh như Hyundai Santa Fe, Ford Everest và đặc biệt Toyota Fortuner.
Toyota Fortuner bản lắp ráp
Fortuner quay trở lại lắp ráp nhưng điều khách Việt quan tâm nhiều nhất về giá không giảm, ngược lại tăng nhẹ 2-7 triệu đồng. Tuy vậy, ở đại lý, giá xe đang giảm vài chục triệu. Với mẫu xe 7 chỗ bán chạy, Toyota cho thấy bước điều chỉnh về chiến lược để thích nghi với những chính sách ủng hộ lắp ráp trong nước. Ở chiều ngược lại, Camry hoặc sắp tới có thể Altis, chuyển sang nhập khẩu khi sức hút từ thị trường không còn lớn như trước.
Toyota mới được xem như bản nâng cấp nhẹ cho giữa năm 2019 khi không thay đổi về ngoại hình. Thay vào đó, hãng bổ sung trang bị tiêu chuẩn đầu DVD trên tất cả các bản lắp ráp. Hai phiên bản 2.4 4x2 máy dầu, số sàn và bản 2.4 4x2 máy dầu, số tự động có thêm camera lùi.
Quay trở lại lắp ráp nhưng Fortuner vẫn giữ hai bản nhập khẩu 2.7 AT dẫn động một và hai cầu. Fortuner là một trong nhiều mẫu xe của Toyota, dù nhận nhiều ý kiến trái chiều về phong cách thiết kế, tính năng lái, nhưng vẫn dẫn đầu phị phần phân khúc. Sự xuất hiện gần đây của Mazda CX-8, Nissan Terra có thêm lựa chọn cho khách hàng và đẩy tính cạnh tranh của các hãng lên tầm cao hơn.
VinFast Fadil
Chưa tính đến thành bại về doanh số của Fadil, VinFast cho thấy sự đầu tư lớn của hãng ở cách tạo hiệu ứng cho sản phẩm, thậm chí khi còn chưa ra mắt. Và ở chiều ngược lại, kỳ vọng lớn của khách hàng cũng khiến áp lực tăng lên dành cho mẫu xe đầu tiên mang logo VinFast, một phép thử của hãng xe Việt trước bài toán "thực chiến" không ít rủi ro.
Fadil đặt chân vào phân khúc hatchback cỡ nhỏ khi sức thống trị của các mẫu xe Hàn như Kia Morning, Hyundai i10 gần như tuyệt đối. VinFast Fadil giá 395-472 triệu, bản tiêu chuẩn tăng lên 465 triệu từ 1/9 tới. Những con số này thậm chí cao hàng đầu phân khúc, bên cạnh mẫu xe Nhật Honda Brio.
Fadil có nhiều trang bị an toàn, động cơ với hiệu suất nhỉnh hơn các đối thủ, không có dấu hiệu gì được xem là thỏa hiệp về giá. Hãng xe Việt có lẽ, thay vì hướng theo kỳ vọng xe giá rẻ mà số đông chờ đợi, theo đuổi triết lý "tiền nào của đó".
Nếu chất lượng Fadil tương xứng số tiền khách hàng bỏ ra, đó là thành công bước đầu, tất nhiên không phải doanh số cao. Từ đó, cảm nhận theo hướng tích cực của khách hàng về cách định vị Fadil, một mẫu xe cỡ nhỏ sẽ được dùng để chiếu lên bộ đôi sản phẩm Lux sắp ra mắt vào quý III tới.
Honda Brio
418-454 triệu đồng, mức giá đưa tân binh Honda Brio vào hàng cao nhất phân khúc xe đô thị cỡ A. Vẫn là một kiểu định giá quen thuộc của Honda khi phần lớn sản phẩm nhỉnh hơn các đối thủ. Triết lý tập trung trải nghiệm thể thao, ít nhất về thiết kế cho khách hàng, là một trong những cách lý giải mà hãng xe Nhật đưa ra khi đề cập về giá bán.
Brio sở hữu ngoại hình được xem là năng động nhất phân phúc. Nhóm khách hàng của Honda chấp nhận chi tiền nhiều hơn vì chất thể thao mà hãng xe Nhật mang lại. Các trang bị trên của Brio không quá vượt trội so với các đối thủ. Honda CR-V, City hiện thuộc top đầu doanh số, nhưng với phân khúc hạng A đề cao chất thực dụng, Brio thực tế có nhiều khó khăn hơn.
Suzuki Ertiga
Thành công về doanh số của Mitsubishi Xpander, mẫu MPV bán từ nửa sau 2018 khiến màn ra mắt của Ertiga nhận được sự chú ý nhiều hơn thường lệ từ khách hàng Việt. Mức giá 499-549 rẻ nhất phân khúc phần nào khiến họ hài lòng. Tuy nhiên, giá thấp của Ertiga liệu có khỏa lấp được ngoại hình thiếu sắc sảo cũng như một số tính năng bị lược bỏ so với bản tại nước ngoài?
Suzuki Ertiga có thể xem là mẫu MPV thực dụng nhất trong phân khúc. Tuy nhiên các tính năng an toàn như cân bằng điện tử, ga tự động hay hỗ trợ khởi hành ngang dốc không được trang bị.
Con số 2.000 đơn đặt hàng từ đầu 2019 đến nay là một tín hiệu tích cực đối với mẫu xe nhập khẩu Indonesia của Suzuki. Hãng xe Nhật khá tự tin đưa ra con số tiêu thụ kỳ vọng 1.000 xe/tháng khi phân khúc MPV hạng nhỏ đang khá ưa chuộng tại Việt Nam.
Volvo XC40
XC40 nhập khẩu Malaysia về Việt Nam là mẫu xe hạng sang hiếm hoi xuất hiện trong tháng 6/2019. Xe như bản thu nhỏ của đàn anh XC60 nhưng ngoại hình có phần nam tính hơn.
Volvo XC40 chỉ có một phiên bản T5 R-Design AWD lắp động cơ 2 lít, 4 xi-lanh, công suất 252 mã lực, mô-men xoắn cực đại 350 Nm bán ra tại Việt Nam. So với các đối thủ như Mercedes GLA giá 1,617-2,399 tỷ, BMW X1 1,8 tỷ đồng, mức giá 1,75 tỷ của XC40 được xem khá cạnh tranh. Tuy nhiên, ít phiên bản lựa chọn hơn khiến mẫu xe thương hiệu Bắc Âu khó cạnh tranh doanh số. Thay vào đó, XC40 tiếp cận nhóm khách trẻ đề cao yếu tố an toàn, tìm kiếm trải nghiệm mới mẻ bên cạnh những sản phẩm Đức vốn quen thuộc trên thị trường.
Thành Nhạn