Ngoại trưởng Pháp Stephane Sejourne hôm 19/2 cho biết nước này sẽ triệu đại sứ Nga tại Paris, trong khi Bộ Ngoại giao Na Uy thông báo triệu nhà ngoại giao hàng đầu của Moskva tại nước này để trao đổi về cái chết của Navalny.
"Trong cuộc nói chuyện, Na Uy sẽ truyền đạt quan điểm về trách nhiệm của giới chức Nga trong cái chết của Navalny, đồng thời yêu cầu họ thúc đẩy một cuộc điều tra minh bạch", Bộ Ngoại giao Na Uy cho hay, thêm rằng cuộc gặp sẽ sớm diễn ra.
Trước đó cùng ngày, Đức, Phần Lan, Đức, Litva, Tây Ban Nha, Thụy Điển và Hà Lan cũng cho biết đã triệu các đại sứ Nga. Anh có động thái tương tự vào tối 16/2, ngay sau cái chết của nhà hoạt động đối lập Nga.
"Thật khủng khiếp khi Alexei Navalny phải trả cái giá đắt nhất cho cuộc đấu tranh của ông ấy", Ngoại trưởng Hà Lan Hanke Bruins Slot đăng trên mạng xã hội X. "Chúng tôi kiên quyết kêu gọi Nga trả thi thể Navalny cho gia đình ông ấy".
Yulia Navalnaya, vợ góa của Navalny, cho hay giới chức Nga vẫn chưa bàn giao thi thể của ông cho gia đình 4 ngày sau khi ông qua đời. Giới chức không cho phép người thân của Navalny tiếp cận thi thể ông với lý do cuộc điều tra đang được tiến hành và chưa biết khi nào sẽ kết thúc.
Ngoại trưởng Thụy Điển Tobias Billstrom kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) xem xét áp đặt lệnh trừng phạt mới đối với Nga. "EU phải hành động. Điều này đặc biệt quan trọng, vì sự thật là Alexei Navalny chết khi đang bị giới chức Nga giam", ông Billstrom cho hay.
Ngoại trưởng Tây Ban Nha Jose Manuel Albares cho biết Madrid "yêu cầu làm rõ tình huống" dẫn đến cái chết của nhà hoạt động đối lập Nga.
Cơ quan quản lý nhà tù Nga thông báo Navalny, 47 tuổi, "bất tỉnh sau cuộc đi dạo" và qua đời tại trại giam ở khu tự trị Yamalo-Nenets ngày 16/2. Phương Tây chỉ trích Nga và yêu cầu làm rõ hoàn cảnh cái chết của Navalny.
Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố phản ứng của phương Tây là không thể chấp nhận được và cho biết quá trình điều tra đang diễn ra theo luật pháp Nga.
Navalny từng là luật sư, giữ chức lãnh đạo đảng Liên minh Nhân dân Nga đối lập giai đoạn 2019-2021 và nhiều lần dẫn đầu các cuộc biểu tình phản đối chính phủ. Ông này bị bắt tháng 1/2021 tại Moskva, sau khi được điều trị tại một bệnh viện ở Berlin, Đức vì trúng độc.
Tháng 8/2021, Navalny bị kết án 19 năm tù vì tham gia chủ nghĩa cực đoan và các tội danh khác. Ông này trước đó bị kết án 11 năm 5 tháng tù vì tội lừa đảo.
Huyền Lê (Theo AFP, Anadolu)