Trong số hàng trăm phim hoạt hình, anime đang phát sóng trên FPT Play, series về cánh cụt Pororo, gia đình cừu Shaun, Pikachu, cô bé Masha và chú gấu xiếc luôn thu hút được một lượng đông đảo các fan nhỏ tuổi. Qua từng tập phim, khán giả nhí không chỉ hòa mình vào không khí vui nhộn mà học hỏi được nhiều bài học thông qua các nhân vật.
Chim cánh cụt Pororo
Trong tạo hình chú chim cánh cụt nhỏ đội mũ phi công và đeo kính bảo hộ, Pororo trở nên phổ biến với trẻ em nhiều nước kể từ khi được giới thiệu vào năm 2003. Đến nay, nhân vật Pororo cùng loạt phim Pororo, The Little Penguin đã có mặt tại hơn 127 quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Tính đại chúng là lý do giúp Pororo chinh phục được các fan nhí. Ngay từ khi thai nghén, các họa sĩ Hàn Quốc đã xác định nhân vật này cần đáp ứng mong đợi của trẻ em toàn thế giới, tương tự chuột Mickey hay mèo Kitty. Không gắn với yếu tố văn hóa cụ thể giúp loạt phim dễ dàng tiếp cận bất kỳ khán giả nhỏ tuổi nào.
Ông Kim Il Ho, Giám đốc studio Ocon cho biết nội dung mỗi tập phim dựa trên cuộc sống thường ngày của trẻ. Với từ ngữ dễ hiểu và nhịp độ chậm rãi hơn 10% so với bình thường, Pororo, The Little Penguin đưa các em bước vào vô số chuyến phiêu lưu cùng chú chim cánh cụt trong khu rừng Porong Porong.
"Sóc điện" Pikachu
Nếu Pororo là nhân vật hoạt hình được yêu thích hàng đầu ở "đất nước củ sâm" thì Pikachu lại được xem là "đặc sản" gắn liền với xứ sở mặt trời mọc. Sức ảnh hưởng của chú sóc điện màu vàng đã lan ra khỏi thế giới tuổi thơ, trở thành linh vật với nhiều khán giả trưởng thành.
Trong bối cảnh giả tưởng của Pokémon, Pikachu là một trong 1010 loài linh vật bỏ túi (poke monster) (mỗi loài linh vật bỏ túi có thiết kế và kỹ năng riêng). Nhờ ngoại hình đáng yêu, khả năng tích trữ điện và phóng sét trong các cuộc chiến, Pikachu trở thành pokémon đại diện của toàn bộ series. Đồng hành cùng Satoshi, cả hai vượt qua nhiều vui buồn, khó khăn trong hành trình khám phá thế giới.
Ra mắt từ năm 1997, series Pokémon tính đến tháng 1/2023 đã có tổng cộng 23 phần phim với 1.223 tập. Sức sống của bộ phim về những linh vật bỏ túi này thậm chí đã vượt qua 1.000 tập One Piece.
Cô bé Masha và chú gấu xiếc
Hai nhân vật cô bé Masha và chú gấu xiếc từ lâu đã quen thuộc với khán giả nhí. Đây cũng là tên của loạt phim hoạt hình nổi tiếng của nước Nga.
Bộ phim Cô bé Masha và chú gấu xiếc kể về cuộc sống trong rừng xanh của cô bé Masha nhỏ nhắn tinh nghịch giữa muông thú, đặc biệt với một chú một gấu từng biểu diễn ở gánh xiếc. Không chỉ nội dung hài hước, phim còn thu hút nhờ giai điệu âm nhạc vui nhộn. Toàn bộ hình ảnh, từ cảnh thiên nhiên, tạo hình nhân vật... đều được xây dựng gần gũi với trẻ em thông qua hiệu ứng 3D.
Bằng những câu chuyện đơn giản, mỗi tập phim mang đến một bài học về thế giới xung quanh. Điều này giúp trẻ làm quen với việc cảm thụ âm nhạc, cách yêu thương, chia sẻ và hình thành những tính cách tốt trong giai đoạn phát triển sớm.
Gia đình cừu Shaun
Xuất hiện trong 2 series riêng biệt Shaun the Sheep và Timmy Time, gia đình cừu Shaun là nhóm nhân vật hiếm hoi vẫn theo đuổi phong cách hoạt hình tĩnh vật (stop-motion). Đây là thể loại hoạt hình cổ điển, có tuổi đời ngang ngửa lịch sử điện ảnh. Đứng trước sự phát triển của công nghệ 2D và 3D, hiệu ứng và cảm xúc mà stop-motion tạo ra vẫn giữ được sức hút riêng.
Ra mắt tập đầu tiên từ năm 2007, loạt phim gia đình cừu Shaun trở thành biểu tượng của hoạt hình xứ sở sương mù. Nếu Shaun the Sheep tập trung vào những chuyến "phá phách" của cừu Shaun tinh ranh và cừu Shirley tham ăn thì Timmy Time là loạt phim dành riêng cho cừu Timmy - em họ của Shaun. Trong phim này, Timmy và các bạn học cách chia sẻ, sửa chữa lỗi lầm dưới sự chỉ bảo của thầy cú Osbourne và cô diệc Harriet.
Xuyên suốt các tập, phim không có thoại, chỉ có nhạc nền và hiệu ứng âm thanh. Qua đó, khán giả nhí có thể tiếp thu được các bài học hoặc hòa mình cùng các tình huống của gia đình cừu Shaun.
Diệp Chi