Theo quyết định của UBND tỉnh Bình Dương, khu vực yêu cầu cao về kiến trúc cảnh quan, khu trung tâm và xung quanh các công trình là điểm nhấn kiến trúc trong đô thị bị cấm phân lô bán nền, bán cho người dân xây nhà ở.
Cụ thể, các khu bị cấm phân lô bán nền gồm khu đô thị mới thuộc Khu liên hợp công nghiệp, dịch vụ, đô thị Bình Dương. Ngoài ra, dọc sông Sài Gòn thuộc huyện Dầu Tiếng; sông Đồng Nai (huyện Bắc Tân Uyên) và khu tiếp giáp các tuyến đường cảnh quan chính của đô thị, trục đường kết nối vùng cũng không được phân lô để bán cho người dân.
Hoạt động phân lô cũng bị cấm tại các dự án đấu giá quyền sử dụng đất để xây nhà ở; khu giáp các tuyến đường chính (chiều rộng từ 23 m trở lên) và địa bàn 5 thành phố gồm Thủ Dầu Một, Thuận An, Dĩ An, Tân Uyên và Bến Cát. Đây là những địa phương thuộc 105 thành phố, thị xã bị cấm phân lô bán nền trên cả nước, theo Luật Kinh doanh bất động sản 2023 có hiệu lực từ 1/8.
UBND tỉnh giao Sở Xây dựng định kỳ hàng quý thông tin về các tuyến đường, khu vực được phân lô bán nền cho người dân tự xây nhà ở. UBND các huyện được giao báo cáo Sở Xây dựng thông tin dự án và tình hình giao dịch bất động sản.
Bình Dương là thủ phủ công nghiệp của cả nước, nằm giáp TP HCM về phía Nam. Thị trường này phát triển sôi động nhiều phân khúc bất động sản trong thời gian qua, điển hình là đất nền.
Báo cáo mới đây của đơn vị nghiên cứu DKRA Group cho biết Bình Dương dẫn dắt thị trường vùng phụ cận TP HCM trong quý III với tỷ trọng nguồn cung đất nền đạt 52%, lượng tiêu thụ 78%. Tuy nhiên so với giai đoạn 2019 trở về trước, lượng giao dịch vẫn ở mức thấp vì thị trường chỉ mới bắt đầu hồi phục.
Đình Trí