Nhóm chuyên gia thuộc Viện Pasteur của Pháp và Đại học Lào hồi tháng 9 công bố nghiên cứu cho thấy loại virus được đặt tên Banal-52 trên các con dơi móng ngựa từ hang động đá vôi ở phía bắc Lào có bộ gene giống nCoV tới 96,8%.
Phát hiện này thúc đẩy giả thuyết cho rằng đại dịch Covid-19 có nguồn gốc tự nhiên hơn là rò rỉ từ phòng thí nghiệm, nhưng các chuyên gia không giải thích được làm thế nào loại virus do dơi ở miền bắc nước Lào có thể gây ra đợt bùng phát ở Vũ Hán, cách đó hơn 1.600 km, vào cuối năm 2019, đầu năm 2020.
Tờ Telegraph của Anh ngày 20/11 công bố những email bị rò rỉ giữa EcoHealth Alliance, tổ chức phi chính phủ chuyên nghiên cứu bệnh truyền nhiễm mới có trụ sở tại Mỹ, với các nhà tài trợ của chính phủ Mỹ, cho thấy các mẫu virus được thu thập từ dơi ở Lào đã được gửi tới Viện Virus học Vũ Hán để nghiên cứu.
Các email, được Dự án White Coat Waste có trụ sở tại Mỹ phát hiện theo Yêu cầu Tự do Thông tin, cho thấy mẫu virus từ "dơi và các loài nguy cơ cao khác" đã được gửi đến Vũ Hán từ tháng 6/2017 đến tháng 5/2019. EcoHealth Alliance trước đó cũng đã gửi mẫu virus corona trên loài dơi ở Vân Nam, Trung Quốc tới Viện Virus học Vũ Hán.
Các trình tự gene virus thu thập từ Vân Nam và Lào được lưu giữ trong cơ sở dữ liệu trực tuyến tại Viện Virus học Vũ Hán. Tuy nhiên, cơ sở dữ liệu này đã bị gỡ bỏ vào tháng 9/2019, khiến các chuyên gia không thể biết chính xác chủng virus nào đã được nghiên cứu tại phòng thí nghiệm này.
Viscount Ridley, đồng tác giả một nghiên cứu về nguồn gốc Covid-19, cho rằng các email trên củng cố sức nặng cho giả thuyết virus bị rò rỉ từ phòng thí nghiệm ở Vũ Hán.
"Banal-52 không đủ gần để trở thành phiên bản gốc của nCoV, nên nó vẫn chưa phải bằng chứng không thể chối cãi, nhưng khá xác đáng. Bởi vậy, virus này có thể bắt đầu từ Lào, không phải Trung Quốc", Ridley phát biểu tại Viện Kinh tế ở London tuần trước.
Theo các email bị rò rỉ, EcoHealth Alliance quyết định gửi mẫu virus thu thập được ở Lào tới phòng thí nghiệm ở Vũ Hán, do quá trình xin chính phủ Mỹ tài trợ xây một phòng thí nghiệm ở Lào rất phức tạp. Ridley nhận định đây là cách dịch bệnh đã bùng phát ở Vũ Hán, nơi có chương trình nghiên cứu lớn nhất thế giới về virus corona trên loài dơi.
Những người ủng hộ thuyết nCoV rò rỉ từ phòng thí nghiệm nói rằng những email rò rỉ đưa ra lời giải thích "hợp lý" về cách Covid-19 có thể xuất hiện.
"Bây giờ chúng ta có hướng đi trực tiếp rất hợp lý từ Lào đến Vũ Hán, gồm hai khả năng", Gilles Demaneuf, nhà nghiên cứu và là thành viên nhóm Drastic chuyên tìm hiểu về nguồn gốc đại dịch, viết trong blog gần đây. "Khả năng thứ nhất, một người Vũ Hán lấy mẫu từ dơi bị nhiễm virus trong chuyến thực địa ở Lào. Khả năng thứ hai là một sự cố trong quá trình nghiên cứu can thiệp bộ gene virus corona trong phòng thí nghiệm Vũ Hán".
Demaneuf chỉ ra rằng EcoHealth Alliance, tổ chức đang hợp tác với Viện Virus học Vũ Hán, từng đề cập đến thí nghiệm can thiệp bộ gene virus trong đơn xin tài trợ gửi tới Cơ quan Dự án Nghiên cứu Tiên tiến Quốc phòng Mỹ.
Đề xuất của EcoHealth Alliance cho thấy các nhà khoa học hy vọng sẽ tạo ra các chỉnh sửa để virus corona trên loài dơi có thể xâm nhập tế bào người dễ dàng hơn. Nhóm nghiên cứu cũng lên kế hoạch dùng trình tự gene từ virus corona tự nhiên để tạo ra trình tự gene hoàn toàn mới, mang đặc tính chung của tất cả các chủng virus corona.
Các chuyên gia di truyền học từng nói rằng giả thuyết nCoV được tạo ra theo cách này giải thích lý do chủng virus rất giống nó chưa bao giờ được tìm thấy trong tự nhiên.
Ridley cho rằng các chính phủ trên thế giới cần làm nhiều hơn nữa để tìm ra nguồn gốc thực sự của đại dịch. "Chúng ta cần tìm hiểu vì chúng ta cần ngăn chặn điều này xảy ra", ông cho hay.
EcoHealth Alliance hiện chưa bình luận về những thông tin trên.
Trung Quốc liên tục phản đối giả thuyết nCoV rò rỉ từ phòng thí nghiệm, đồng thời đưa ra các giả thuyết rằng virus này có thể bắt nguồn từ nơi khác, trong đó có Mỹ. Nước này cũng nhiều lần tuyên bố nCoV có thể lây lan qua thực phẩm đông lạnh, song các nhà khoa học và giới chức cho biết tới nay không có bằng chứng xác đáng về khả năng này.
Huyền Lê (Theo Telegraph)