Giải pháp tăng chuỗi giá trị ngành nông nghiệp?
10 năm trước, cụm trang trại bò sữa chăn nuôi tập trung ứng dụng công nghệ cao quy mô 1,2 tỷ USD của Tập đoàn TH được xây dựng tại cao nguyên Phủ Quỳ (Nghĩa Đàn, Nghệ An). Đó là một trong những bước đi của nhà sáng lập khi xác định, công nghệ cao là chìa khóa cho sự phát triển nông nghiệp.
Tập đoàn ứng dụng công nghệ đầu cuối của thế giới trong xây dựng và vận hành trang trại với sự hỗ trợ, tư vấn của chuyên gia Israel. Chỉ sau 14 tháng, trang trại đã đi vào vận hành và phát triển trên chính mảnh đất mà nhiều dự án chăn nuôi bò lấy sữa từng thất bại trước đó.
Đây cũng là cụm trang trại bò sữa chăn nuôi tập trung ứng dụng công nghệ cao quy mô lớn nhất châu Á, với tổng đàn bò 45.000 con, bình quân khoảng 45 - 50% bò cho sữa thường xuyên, tương đương năng suất sữa bình quân 40 lít một con mỗi ngày.
Bằng việc ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi bò sữa - vốn là động vật ôn đới ở xứ sở nhiệt đới, tập đoàn TH đã góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành sữa trong nước và giảm tỷ lệ nhập khẩu sữa từ nước ngoài.
Ứng dụng công nghệ vào nông nghiệp cũng là lời giải giúp tăng giá trị nông sản Việt Nam, theo ý kiến của nhiều diễn giả tại Diễn đàn chuyên đề Nông nghiệp thuộc Diễn đàn Kinh tế Việt Nam (Vietnam Economic Forum - ViEF) diễn ra cuối tháng 5/2018.
Những giải pháp hình thành và chuẩn hóa các chuỗi giá trị nông, lâm, thủy sản sẽ tiếp tục được đề cập tại phiên toàn thể Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2019 diễn ra chiều 2/5 tới đây.
Quảng bá và phát triển du lịch theo hướng nào?
Du lịch Việt Nam hiện xếp thứ 6 trên 10 quốc gia đạt tốc độ tăng trưởng khách du lịch hàng đầu thế giới, theo Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO). Năm 2018, Việt Nam ước đón 15,6 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ hơn 80 triệu lượt khách nội địa và tổng thu đạt hơn 620.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, theo ông John Lindquist - thành viên Hội đồng cơ quan Du lịch Vương quốc Anh, Việt Nam chưa khai thác và quảng bá du lịch một cách hiệu quả quảng bá. Ông cho biết Việt Nam chỉ xếp 80 trong tổng số 136 quốc gia, thậm chí sau Lào, Campuchia.
Tại Diễn đàn Du lịch cấp cao Việt Nam cuối năm 2018, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đặt câu hỏi, với số vốn ít, làm thế nào để quảng bá và phát triển du lịch Việt Nam hiệu quả?
Hai giải pháp được Phó Thủ tướng đặt ra là ưu tiên chất lượng, làm sao để khách du lịch muốn chi nhiều hơn cho những trải nghiệm tại Việt Nam; cùng ứng dụng công nghệ thông tin trong phát triển du lịch.
Cơ chế hình thành kinh tế số?
Bên cạnh công việc xây dựng tại một công ty tư nhân, ông Lê Văn Lương (43 tuổi, Hà Nội) có thêm một công việc khác: xe ôm công nghệ.
Làm xe ôm Grab gần 2 năm, ông Lương có thêm nguồn thu nhập khác bình quân 7 - 10 triệu mỗi tháng, con số không hề thấp so với thu nhập bình quân 5,53 triệu của lao động Việt Nam. Theo ông Lương, với những người lái Grab cả ngày, thu nhập từ công việc có thể cao gấp hai lần.
Theo ông Lương, từ khi có công nghệ kết nối lái xe và hành khách, chuyện lái xe ngược xuôi tìm khách, chầu chực cả ngày, tranh khách với nhiều lái xe khác trước cổng các trung tâm mua sắm, siêu thị... không còn nữa. Một xe ôm Grab như ông có thể có đến 10 - 20 cuốc xe mỗi ngày với thu nhập 6 con số trở lên.
Hiện nay, Grab đã tạo công ăn việc làm cho khoảng 175.000 tài xế, theo thống kê của hãng tính đến tháng 9/2018. Sau 5 năm đến thị trường Việt Nam, Grab còn lọt top những nơi làm việc tốt nhất tại Việt Nam năm 2018, do mạng cộng đồng nghề nghiệp Anphabe và Công ty nghiên cứu thị trường Intage công bố.
Câu chuyện của Grab là một trong những minh chứng cho thấy kinh tế số mang lại nhiều tiềm năng và cơ hội cho nền kinh tế, thúc đẩy môi trường thương mại.
Không ít ý kiến cho rằng việc phát triển những mô hình kinh doanh và công nghệ mới sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế truyền thống. Nhưng khi kinh tế truyền thống ứng dụng công nghệ số, hoạt động sẽ trở nên hiệu quả hơn.
Điều kiện tiên quyết để Việt Nam bắt kịp cách mạng công nghệ 4.0 là nền tảng cho chuyển đổi số và kinh tế số. Theo đó, một trong những yếu tố thực hiện điều này là cơ chế chấp nhận cái mới, tạo cơ hội cho cái mới phát triển.
Cách tháo gỡ "nút thắt" công nghiệp hỗ trợ?
Công nghiệp hỗ trợ là nền tảng và yêu cầu được xem là "bánh đà" của nền công nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, số lượng các doanh nghiệp phát triển ngành còn thiếu và yếu. Trong 1.800 doanh nghiệp sản xuất phụ tùng, linh kiện cả nước, chỉ có 300 doanh nghiệp trong nước tham gia vào mạng lưới sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia.
Khả năng cung ứng của các doanh nghiệp còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu sản xuất trong nước.
Là ngành công nghiệp đứng đầu cả nước về thu dụng lao động với khoảng 2,7 triệu người, song công nghiệp phụ trợ cũng được cho là điểm yếu khiến ngành khó bứt phá. Việt Nam phải nhập khoảng 99% bông, xơ sợi sản xuất 2,2 triệu tấn, song nhập khoảng 1,3-1,4 triệu tấn. Về vải, Việt Nam phải nhập đến trên 80%.
Đây là ngành chịu tác động nhiều nhất từ quy tắc về nguồn gốc xuất xứ "từ sợi trở đi" theo Hiệp định Thương mại tự do CPTPP.
Riêng trong lĩnh vực sản xuất ôtô trong 20 năm qua cho thấy dấu ấn mờ nhạt của ngành công nghiệp hỗ trợ, kéo theo tỷ lệ nội địa hóa một sản phẩm ôtô khi xuất xưởng trung bình chỉ từ 7-10%.
Giải pháp cân bằng thị trường vốn và tín dụng?
Tại Hội thảo Chuyên đề thị trường vốn - tài chính trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2018 (ViEF), đại diện Chính phủ và các chuyên gia thừa nhận thị trường vốn Việt đang mất cân bằng do tín dụng ngân hàng đang giữa vai trò chủ đạo.
Nếu so quy mô tín dụng và quy mô của thị trường vốn, nền kinh tế Việt Nam đang phụ thuộc nhiều vào các tổ chức tín dụng. Theo Bộ Tài chính, quy mô tín dụng vào khoảng 130% GDP, lớn hơn nhiều quy mô vốn hóa của thị trường chứng khoán (70% GDP), thị trường trái phiếu doanh nghiệp (1,25% GDP) và thị trường trái phiếu chính phủ (20% GDP).
Trong khi thị trường vốn với chức năng cung cấp nguồn vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế chưa đủ lớn, áp lực vốn đè nặng lên ngành ngân hàng, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho hệ thống ngân hàng.
Để giải quyết vấn đề này, Phó Thủ tướng cho rằng cần tăng cường vai trò của định chế phi ngân hàng, giải quyết tốt thị trường vốn và thị trường tiền tệ.
Loạt câu hỏi và vấn đề nêu trên sẽ được giải đáp tại phiên toàn thể Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2019 diễn ra chiều 2/5.
Tại khuôn khổ sự kiện, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình cùng đại diện các cơ quan quản lý sẽ lắng nghe các hiến kế từ khu vực tư nhân, tổng hợp ý kiến từ 500 doanh nghiệp tiêu biểu trong cả nước.
Phiên toàn thể cũng diễn ra phiên đối thoại mục tiêu tháo gỡ rào cản, điểm nghẽn để kinh tế tư nhân bứt phá, trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế.
Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2019 do Chính phủ và Ban Kinh tế Trung ương đồng chủ trì. Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), Báo điện tử VnExpress và Tập đoàn IEC phối hợp tổ chức.
Chương trình có sự đồng hành của Hãng hàng không Vietjet Air, thương hiệu tôn Colorbond từ Bluescope, Ngân hàng Agribank, Ngân hàng BIDV, Ngân hàng Vietcombank, Tập đoàn TH, VinFast, Grab, Tập đoàn T&T, Ngân hàng TPBank, Ngân hàng Quân đội (MB),Ngân hàng Bắc Á Bank, Tân Hiệp Phát, THACO, BIM Group, MXP, Habeco, Logivan, Binance, CMC, VNPT, Hiệp Phước, Tomochain, Netnam, Dược Hà Nội, Dược CVI, TTC group.
Xem thông tin về Diễn đàn tại đây.
Hà Trương