Thứ hai, 11/11/2024
Thứ ba, 12/12/2023, 07:00 (GMT+7)

Loạt ampli đèn tự chế ấn tượng tại SUMO Contest

Cuộc thi ampli đèn tự chế SUMO Contest 2023 thu hút giới đam mê âm thanh Việt Nam với nhiều sản phẩm chất lượng tham dự.

Ngày 10/12, hàng trăm người đam mê âm thanh đã tham dự SUMO Contest 2023 do Mạng nghe nhìn Việt Nam (VNAV) tổ chức tại Hà Nội. Đây là một trong những cuộc thi dành cho giới tự chế thiết bị âm thanh (DIY) lớn nhất cả nước. Chương trình năm nay quy tụ lượng sản phẩm dự thi cao kỷ lục với hơn 20 ampli đèn công suất lớn. Để đảm bảo tính đa dạng, VNAV chia hai bảng đấu riêng lẻ. Một bảng dành cho nhà sản xuất chuyên nghiệp, đã có sản phẩm bán ra thị trường. Bảng còn lại thuộc về thí sinh không chuyên, tự lắp máy phục vụ nhu cầu cá nhân.

Tương tự các năm trước, ban tổ chức sử dụng một dàn âm thanh riêng để làm chuẩn, từ đó đánh giá chất lượng sản phẩm dự thi. Hệ thống tham chiếu có giá trị khoảng bốn tỷ đồng, gồm nguồn phát CD Accustic Arts Player I, loa Acapella Cellini, bộ khuếch đại Pre Octave HP 700 SE + Power Octave MRE 22, kệ máy SGR Audio Model I và ổ nguồn Ansuz DTC.

Toàn bộ ampli được giấu sau sân khấu và giám khảo không biết sản phẩm đang phát nhạc thuộc về ai. “Cuộc thi có nhiều sản phẩm tốt hơn những năm trước, dù bị gián đoạn thời gian dài vì đại dịch. Có chênh lệch đáng kể giữa đơn vị sản xuất chuyên nghiệp và người chơi không chuyên, tuy nhiên, trình độ của giới không chuyên đang tăng nhanh sau các năm”, ông Nguyễn Sỹ Chí, trưởng ban giám khảo, nói.

Nhiều sản phẩm tạo ấn tượng dù không đạt giải. Lê Trọng Đoàn, người chơi với 20 năm kinh nghiệm, đã tự vận chuyển bộ ampli đèn nặng hơn 100 kg từ Cần Thơ ra Hà Nội dự thi. Sản phẩm này dùng 4 bóng đèn 833 công suất lớn, yêu cầu điện áp trên 1.000 V. “Tôi mất khoảng 2-3 tuần hoàn thành. Linh kiện không khó kiếm, nhưng quá trình lắp ghép gặp nhiều trở ngại do kích thước ampli”, anh nói.

Bộ ampli đèn 833 SE của Đặng Thanh Phương, nhà sản xuất chuyên nghiệp, đạt giải thiết kế đẹp nhất với vỏ máy được cắt CNC từ nhôm nguyên khối. Anh cho biết mình đã có 10 năm kinh nghiệm DIY thiết bị âm thanh và tham gia SUMO Contest hai lần, tuy nhiên vẫn cần đến hai tháng để hoàn thành sản phẩm dự thi. “Quá trình CNC khung nhôm tốn rất nhiều thời gian, khiến quá trình chế tạo kéo dài. Tôi đã có phương án để cải thiện sản phẩm sản phẩm trong tương lai”, anh Phương nói.

Giải nhất chuyên nghiệp thuộc về Ngô Hoàng Dương với ampli 212 SE. Bóng đèn công suất 212 được ví là "vua của các loại bóng", mỗi cặp có giá khoảng 70 triệu đồng. Sản phẩm gồm hai module, thiết kế đối xứng và được tinh chỉnh để phù hợp nhiều dòng nhạc và loại loa khác nhau.

Giải nhì chuyên nghiệp thuộc về ampli 833 SE của Lê Huy Thái (Bắc Ninh). Anh cho biết đã sản xuất ampli thương mại từ 2012, nhưng đây là lần đầu dự thi. Anh lựa chọn bóng 833 vì loại này cho âm ấm, dày, tiếng trầm uy lực và phù hợp chơi dòng nhạc giao hưởng tiết tấu nhanh, mạnh. "Khi chế tạo ở mức độ chuyên nghiệp, tiêu chí an toàn phải đặt lên hàng đầu. Ngoài ra, các khâu lên ý tưởng, sắp xếp linh kiện, thiết kế mạch cũng đòi hỏi thời gian, kiến thức", anh nói.

Giải nhất nghiệp dư thuộc về Trần Chung, Hà Nội, với mẫu ampli GM70 Single End. Sản phẩm này cũng gồm hai module, với phần khung tự chế từ gỗ và kim loại.

Giải nhì nghiệp dư thuộc về ampli 845 SE của Nguyễn Kim Long (Hà Nội). Anh Long cho biết đã tìm hiểu lĩnh vực DIY thiết bị âm thanh được 15 năm và lần thứ hai tự chế sản phẩm tham gia SUMO Contest. Anh chủ yếu tận dụng buổi tối và ngày nghỉ để lắp ghép nên mất ba tháng mới hoàn thành. "Lợi thế của bóng đèn 845 là điện áp vừa phải, dễ thao tác, được nhiều hãng audio lắp trên sản phẩm thương mại. Tuy nhiên, vì lắp theo mạch single-end, công suất nhỏ, ampli loại này khó chiếm ưu thế trong khán phòng lớn", anh nói.

Ampli đèn là thiết bị khuếch đại âm thanh dựa vào nguyên lý hoạt động của bóng đèn. Việc độ ampli đèn được nhiều người ưa chuộng vì có thể tự tùy chỉnh kiểu dáng, công suất, tạo ra nét riêng cho thiết bị.

Những bóng đèn được sử dụng thường là loại bóng công suất trong các trạm phát sóng, hoặc thiết bị quân sự (transmitting tube). Ampli đèn thu hút người nghe vì khả năng lọc nhiễu, giảm độ méo âm thanh, tạo chất âm đặc biệt, trình diễn được nhiều dòng nhạc yêu cầu sự chi tiết, chính xác như Jazz, Classic, Country, Blues,… Do đó, dù công nghệ sản xuất đèn điện tử chân không đã lỗi thời, những người đam mê âm thanh vẫn tìm cách ứng dụng để chế các loại ampli cao cấp.

Hoàng Giang