Trước đó, Kyle vẫn như một cậu con trai "trong mơ" của nhiều gia đình, với thân hình cao ráo, vẻ ngoài ưa nhìn, tính cách mạnh mẽ và có hiếu hài hước. Cậu là một cầu thủ bóng chày tài năng, đến nỗi được các tuyển trạch viên nhắm trước cho Major League.
"Thằng bé gần như có cả thế giới chỉ với việc chơi bóng", ông Scott chia sẻ.
Giờ đây, Kyle thường xuyên cáu kỉnh, chán nản và muốn bỏ học tại trường trung học New Jersey. Vào một đêm, cậu dường như mất trí hoàn toàn, hoang tưởng rằng bố mẹ muốn giết mình. Ông Scott cho rằng con trai đã "xa rời hoàn toàn thực tế".
Gia đình phải đưa Kyle đến một cơ sở điều trị tâm thần, nơi chứng hoang tưởng của cậu trở nên tồi tệ hơn. Cậu nghĩ rằng cha mình điều hành một tổ chức mafia và đã đưa Tổng thống Joe Biden lên nắm quyền. Kyle đòi bố mẹ cho cậu 10 triệu USD.
Meg và Scott tin chắc con trai đã sử dụng một loại ma túy rất mạnh. Tuy nhiên, khi xét nghiệm, Kyle được kết luận dương tính với các loại thuốc điều trị rối loạn tăng động giảm chú ý và THC - chất có trong cần sa.
Kyle hiện đã bình phục, nhưng trường hợp của cậu là ví dụ điển hình cho tình trạng ngày càng phổ biến ở nhiều gia đình Mỹ. Thanh thiếu niên có dấu hiệu nghiện ma túy nặng, suy sụp hoàn toàn về tâm thần vì sử dụng cần sa, sau khi chất này được hợp pháp hóa ở một số bang.
"Chúng tôi ghi nhận hơn 35 ca chẩn đoán liên quan đến cần sa mỗi ngày, tăng đều đặn trong những năm qua. Vào năm 1990, Mỹ không có tình trạng này. Giờ đây, chúng tôi thấy khoảng một đến hai trường hợp mỗi ca trực. Triệu chứng phổ biến nhất là rối loạn tâm thần", tiến sĩ Roneet Lev, bác sĩ khoa cai nghiện tại Bệnh viện Scripps Mercy ở San Diego, cho biết.
Theo Ben Cort, giám đốc trung tâm cai nghiện ma túy và rượu ở Colorado, cứ 20 trường hợp loạn thần do THC mới có một ca loạn thần do amphetamine (thuốc kích thích). Nghiên cứu cho thấy số ca rối loạn tâm thần tại khoa cấp cứu ở Colorado tăng 24% trong 5 năm, sau khi cần sa được hợp pháp hóa ở khu vực này vào năm 2012.
Kể từ đó đến nay, cần sa đã được sử dụng trong nhiều sản phẩm. Laura Stack, nhà hoạt động chống lạm dụng cần sa, cho biết: "Tôi chưa bao giờ thấy các loại tinh dầu, vape và kẹo cần sa tràn lan như ngày nay".
Johnny, con trai bà đã bị rối loạn tâm thần cấp tính do sử dụng THC nhiều năm. Cậu tin rằng phòng ký túc xá bị nghe trộm, đám đông theo dõi mình khắp mọi nơi. Johnny đã tự sát vào năm 2019 ở tuổi 19 bằng cách nhảy khỏi một tòa nhà 6 tầng.
"Chẳng có giới hạn nào cả. Họ tạo ra các loại cần sa có mức THC ngày càng cao. Giờ đây, bạn mua được các sản phẩm mà bạn không thể tìm thấy vào những năm 80 và 90. Cần sa không còn nhẹ nhàng nữa", bà Stack nói.
THC (Tetrahydrocannabinol) là hóa chất thần kinh, gây hưng phấn và hoang tưởng, có xu hướng đi kèm với cảm giác khi sử dụng cần sa. Loại cần sa mạnh nhất được bán ở Mỹ có chứa khoảng 25% THC.
Các loại kẹo dẻo cần sa thường được sản xuất bằng cách chiết tách THC khỏi cây cần sa, tạo ra "sáp" THC đậm đặc gấp ba lần. Các sản phẩm này cũng thiếu CBD, một chất hóa học có trong cần sa tự nhiên, tác dụng kháng THC. Tinh dầu cần sa dùng cho người hút vape thậm chí mạnh hơn, chứa trên 90% THC. Theo các chuyên gia, với nồng độ này, sản phẩm có thể gây ra các triệu chứng loạn thần nghiêm trọng ở người sử dụng thường xuyên.
"THC ngày một phổ biến và nhận thức về tác hại của nó đang ở mức thấp nhất trong lịch sử. Chúng tôi tiếp nhận số người mắc chứng rối loạn sử dụng THC nhiều hơn những dạng thuốc phiện khác, đại đa số đều bị loạn thần", ông Cort cho biết.
Nghiên cứu lâm sàng cho thấy một liều THC nguyên chất gây ra các triệu chứng loạn thần ở khoảng 40% những người không có tiền sử mắc bệnh này. Nếu chỉ sử dụng liều lượng thấp, người dùng sẽ bị hoang tưởng thể nhẹ. Tuy nhiên, 35% những người đã trải qua triệu chứng như vậy sẽ tiến đến tình trạng rối loạn tâm thần hoàn toàn nếu tiếp tục dùng cần sa.
Theo nhiều nghiên cứu, những người từng bị rối loạn tâm thần do cần sa gây ra sẽ tiếp tục sử dụng chất này, cuối cùng, tỷ lệ phát triển tâm thần phân liệt vĩnh viễn là gần 50%. Con số cao hơn so với amphetamine, opioid hoặc LSD.
Điều thực sự khiến THC đáng ngại hơn các loại chất khác là ít người thực sự cho rằng nó nguy hiểm.
"Chúng ta biết fentanyl (thuốc giảm đau gây nghiện) là xấu, chúng ta biết ma túy đá là xấu. Nhưng chúng ta không biết cần sa cũng xấu", tiến sĩ Libby Stuyt cho biết.
Theo các chuyên gia, THC cô đặc rất dễ gây nghiện về mặt thể chất. Tuy nhiên, vì được sản xuất từ cây cần sa tự nhiên, nhiều người cho rằng chúng không gây nghiện như các loại cần sa kiểu cũ. Theo cuộc thăm dò của Rasmussen Reports, 57% người Mỹ không nghĩ cần sa nguy hiểm.
Quyết định hợp pháp hóa cần sa ở 19 bang mở đường cho một ngành công nghiệp trị giá 13 tỷ USD. Nhiều người tiếp thị cần sa như một phương thuốc điều trị từ đau mạn tính đến rối loạn lo âu.
Trên thực tế, chỉ có 4 loại thuốc chiết xuất từ cần sa được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) chấp thuận, gồm Epidiolex điều trị co giật, Marinol, Syndros và Cesamet chữa bệnh buồn nôn và chán ăn. Đây hoàn toàn là các loại thuốc bán theo đơn, không thể mua tự do tại các hiệu thuốc. Ngoài 4 loại thuốc trên, các tài liệu tuyên bố cần sa có đặc tính chữa bệnh là thiếu khoa học.
"Đây không phải thuốc, THC có hiệu lực cao chưa từng được nghiên cứu như một loại thuốc", tiến sĩ Stuyt nói.
Thục Linh (Theo NY Post)