![]() |
Nhiều thợ săn bị ám ảnh bởi ánh mắt của hươu cao cổ khi hạ được nó. Ảnh: Sức Khỏe & Đời Sống. |
Nhiều loài vật nuôi trong nhà hay thú hoang đôi khi có những biểu hiện cảm xúc khiến con người phải ngạc nhiên. Chúng cũng biết giận hờn, buồn, vui, biết đùm bọc, yêu thương nhau, biết “hợp đồng tác chiến”, chia sẻ lợi ích, báo oán trả ân, ăn năn hối lỗi... Tất cả những điều đó buộc các nhà khoa học phải đặt câu hỏi: Phải chăng loài vật cũng có tâm hồn?
Nhà sinh vật học người Anh Richardson Witt trong cuộc đời nghiên cứu của mình đã không ít lần tận mắt chứng kiến những chuyện lạ lùng về thế giới động vật. Một lần, ông bắt gặp đàn quạ khoang đậu kín một bụi cây, vỗ cánh và rít lên những âm thanh chói tai. Khi đến gần, Richardson nhận thấy chúng đang vây quanh một con quạ khác đứng ủ rũ, gấp đầu vào cánh, không dám ngẩng mặt lên. Cả đàn quạ thi nhau “rủa xả”, kết tội như một hình thức “xét xử trong dòng họ” hay “phiên tòa lưu động”.
Richardson Witt tiếp tục bí mật theo dõi và biết rằng mình đoán không sai. Con quạ cô độc thỉnh thoảng ngẩng lên, len lén, mắt lộ rõ vẻ cầu khẩn. Vô ích, cả đàn quạ tiếp tục “lăng nhục”. Tiếp đó, con quạ lớn nhất có bộ vó rất dữ tợn chen vào giữa, kêu lên ba tiếng. Cả đàn im bặt, con quạ khốn khổ kia bấy giờ mới dám kêu lên khe khẽ như thể “cầu cứu”. Con quạ đầu đàn lại kêu lên ba tiếng nữa, lập tức cả đàn xúm vào xâu xé, vặt lông kẻ tội đồ đến chảy máu.
Vô tình được mục kích trọn vẹn cuộc “xử tội” này, Richardson Witt rất ngạc nhiên và sửng sốt tuy ông không thể hiểu được lý do của “phiên tòa” ấy. Bởi vì từ trước đến nay, con người, ngay cả những người nghiên cứu về thế giới loài vật như ông, vẫn cứ cho rằng động vật không thể có tâm hồn hay tình cảm được, mặc dù nhiều loài đã biểu lộ óc thông minh sắc sảo, trí nhớ tuyệt vời và những hành động khôn ngoan đến khó tin. Con người luôn tự hào rằng mình là loài sinh vật duy nhất trên hành tinh biết suy nghĩ và có cảm giác. Richardson Witt cho rằng vấn đề này cần được xem xét lại, bởi đã có quá nhiều sự kiện đủ sức phản bác quan điểm truyền thống.
Trong tác phẩm “Cuộc sống tình cảm của động vật”, Marc Bekoff, chuyên gia về hành vi của động vật thuộc Đại học Colorado, Mỹ, đã thống kê được nhiều dẫn chứng về các sắc thái tình cảm vui mừng, đau buồn, giận dữ, yêu thương... của thế giới động vật mà ông có dịp chứng kiến. Marc Bekoff cho rằng, ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy suy nghĩ của động vật có thể ẩn chứa tình cảm tương tự như con người.
Câu “Con chim sắp chết cất tiếng hót bi ai” của người phương Đông là một tổng kết khái quát về cảm xúc của động vật trước khi từ giã cõi đời. Thợ săn châu Phi là những người chứng kiến nhiều nhất cảm xúc của các loài thú khi bị thương. Họ cho rằng gấu, hươu là những loài có tình cảm rõ rệt. Khi bị dồn vào bước đường cùng, chúng thường phản công dữ dội. Một khi bị trúng đạn, chúng thường “khóc” trước khi nhắm mắt. Hươu cao cổ cũng thường nhìn đám thợ săn với đôi mắt rất “ai oán” trước khi lìa đời. Nhiều thợ săn đã bị ám ảnh bởi đôi mắt của hươu cao cổ lúc ấy vì trông không khác gì mắt người.
Ông Nemrod, một nhà văn người Anh, kể về chuyến săn linh dương châu Phi của mình : “Tôi bóp cò, con vật ngã chổng vó, máu tuôn xối xả. Khi tiến lại gần, tôi định bồi thêm phát nữa thì chợt bủn rủn cả tay chân vì nhìn thấy đôi mắt của con linh dương nửa căm hờn, nửa sửng sốt. Tôi gác súng từ đó vì không bao giờ quên được hình ảnh ấy, nhất là đôi mắt đẫm nước của nó”.
Có những chú voi bị bắn hụt sau hàng chục năm vẫn nhớ như in khuôn mặt kẻ đã nã đạn vào nó và tìm cách “ân đền oán trả”. Qua những hành động dìu đồng loại bị thương, phun nước đào huyệt, thả xác đồng loại xuống và lấy cỏ phủ lên, con người phải công nhận rằng voi đôi khi có những hành động khôn đến không ngờ. Trước khi từ giã người bạn quá cố, nó cũng khóc, đứng trầm mặc một lúc với khuôn mặt thờ thẫn. Quả là không ngoa khi người ta nói voi là một trong những loài động vật thông minh nhất và có trí nhớ tốt nhất.
Bên cạnh sự căm thù, nhiều loài vật cũng biểu lộ sự hàm ơn và tìm cách trả ơn vì những gì con người đã làm cho chúng. Tháng 12/2005, một con cá voi cái dài 15 m, nặng 50 tấn bị mắc lưới may mắn được một nhóm thợ lặn Na Uy giải cứu. Sau khi được tự do, “cô nàng” cọ mũi vào từng thợ lặn rồi bơi xung quanh - một cử chỉ mà theo các chuyên gia về cá voi là “sự giao tiếp khác lạ và hiếm thấy”.
Không chỉ có những xúc cảm tồn tại trong chốc lát, đời sống tâm hồn của loài vật đôi khi là quá trình với nhiều diễn biến phức tạp. Tại vườn thú London, nhà khoa học Jame Taylor đã vô cùng kinh ngạc khi nhận ra thái độ của một gia đình khỉ đầu chó lúc trời mưa. Hai vợ chồng thu mình vào góc chuồng, khỉ mẹ ấp chặt khỉ con vào lòng để che mưa. Lát sau, do cao hứng, khỉ con nhảy vào lòng bố rứt lông bụng. Cáu tiết, khỉ bố nắm cổ "quý tử" và lăng ngay một phát ra giữa sân ướt nhẫy. Khỉ con chưa kịp tru tréo, khỉ mẹ đã nhào đến cắn cho chồng một phát nhớ đời rồi bế con vào chỗ có mái che.
Taylor kinh ngạc bởi trong xã hội khỉ đầu chó, con cái ít khi dám “láo” với con đực. Chưa xong, khỉ mẹ giận khỉ bố suốt hai tuần liền, nhe nanh cảnh cáo mỗi khi chồng mon men lại gần. “Chiến tranh lạnh” kéo dài và Taylor không khỏi bật cười thú vị khi thấy rõ thái độ chán nản của khỉ bố, ra vẻ “con hư tại mẹ, cháu hư tại bà”. Hành động đặc sắc cuối cùng để xóa bỏ hận thù là khỉ bố “hối lộ” vợ 3 quả chuối thật to. Rõ ràng khỉ đầu chó không phải là ngu như ta tưởng mà có nhiều tình cảm và suy nghĩ giống như người.
Còn vô vàn thí dụ mà không thể kể hết ra đây. Động vật cũng biết giận hờn, căm thù, uất ức và tủi thân, biết bênh nhau, trả nghĩa, trả thù, biết chia buồn, biết cùng vui... Vậy tại sao lại không thể nghĩ đó là tâm hồn của chúng?
(Theo Sức Khỏe & Đời Sống)