Theo kết quả vừa công bố trên tạp chí Nature Communications, Amy Lee, giáo sư hóa sinh và y học phân tử tại Trường Y Keck, cùng đồng nghiệp phát hiện GRP78, một loại protein, đóng vai trò quan trọng trong sự lây lan của nCoV và một số virus khác. Ngăn chặn quá trình sản xuất GRP78 bằng thuốc HA15 sẽ hạn chế virus nhân lên.
Nhóm nhà khoa học sử dụng công cụ RNA thông tin để ngăn chặn sản xuất protein GRP78 trong các tế bào biểu mô phổi của con người. Khi các tế bào nhiễm nCoV, chúng tạo ra lượng protein đột biến và virus thấp hơn, khó lây nhiễm sang tế bào khác hơn.
"Thật đáng ngạc nhiên, chúng tôi thấy loại thuốc này rất hiệu quả trong việc giảm số lượng và kích thước của các khu vực nhiễm nCoV, với liều lượng an toàn và không gây hại cho tế bào bình thường", Lee cho biết.
Trong một nghiên cứu riêng biệt, giáo sư Lee cũng chỉ ra hiệu quả của HA15 trong điều trị ung thư. Những phát hiện này, được công bố gần đây trên tạp chí Neoplasia, cho thấy nhắm mục tiêu vào các protein cụ thể giúp chống lại bệnh nan y chết người.
HA15 kết hợp với một loại thuốc khác là YUM70 có thể ngăn chặn việc sản xuất các protein KRAS - một đột biến kháng thuốc điều trị. Hai loại thuốc giúp tăng khả năng sống sót của các tế bào ung thư tuyến tụy, phổi và ruột kết.
Để thực hiện nghiên cứu, các nhà khoa học đã nuôi cấy một số tế bào ung thư biểu mô phổi người trong môi trường 37 độ C, độ ẩm 95%. Các tế bào được cấy ba lần. Sau đó, họ cho các tế bào này tiếp xúc với thuốc.
Trước đó, một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng vaccine Covid-19 có hiệu quả trong việc điều trị ung thư. Nguyên lý cũng là nhắm vào các protein và thụ thể. Như nghiên cứu công bố hôm 13/12 của hãng Moderna cho thấy vaccine điều trị ung thư dựa trên công nghệ mRNA có hiệu quả ngăn ngừa khối u da ác tính.
Thục Linh (Theo SciTech Daily)