Năm 2011, Jinru He, nghiên cứu sinh tại Đại học Xiamen, Trung Quốc, mang một con sứa mặt trăng đực từ biển về nuôi. Con sứa già và chết 18 tháng sau đó. Jinru chuyển xác nó sang bể mới, thay nước mới và chờ đợi phép màu xảy ra.
Ba tháng sau khi chuyển bể, polyp, một sinh vật đơn bào dạng ống giống hải quỳ xuất hiện từ xác con sứa đang phân huỷ, điều chưa từng được quan sát trước đó.
Sứa mặt trăng (Aurelia aurita) có cơ thể trong suốt với đặc điểm dễ phân biệt là bốn tuyến sinh dục giống hình cỏ bốn lá trên lưng và viền xúc tu mỏng. Dù chúng phân bố ở khắp các đại dương trên thế giới, rất ít cá thể sứa sống ở phía đông Trung Quốc, nơi Jinru làm việc. "Tôi trân trọng các mẫu vật. Khi chúng già, tôi thường giữ chúng lại với hy vọng điều kỳ diệu sẽ xảy ra", Jinru chia sẻ.
Theo National Geographic, thông thường, một trứng sứa được thụ tinh sẽ nở ra ấu trùng và ấu trùng lớn thành polyp. Polyp mọc chồi, giải phóng ra nhiều sứa trưởng thành. Những con sứa đẻ trứng và chết. Vòng đời này giống như vòng đời của bươm bướm, trong đó polyp đóng vai trò tương tự sâu bướm.
Khi polyp giải phóng những con sứa, chúng chìm xuống đáy bể. Nhưng thay vì chết đi, chúng biến đổi về dạng polyp trẻ hơn.
Ở một số con sứa, vảy hình thành trong miệng chúng nếu chúng ăn quá no hoặc bị thương. Polyp nhỏ hình thành bên ngoài vảy, sau đó tách ra giống như nhân bản vô tính.
Sự tái sinh ở sứa mặt trăng là một đặc tính mới được biết đến, tuy nhiên, khả năng biến hình của chúng từ lâu đã trở thành đề tài nghiên cứu của các nhà khoa học. Vào thập niên 1990, một số nhà khoa học người Italy phát hiện Turritopsis dorhnii, một loài sứa nhỏ bằng ngòi bút, biến đổi giữa hai hình dáng sứa trưởng thành và polyp. Vì thế, chúng có biệt danh là sứa bất tử.
Nghiên cứu sâu về quá trình trẻ hóa và tái tạo ở sứa mặt trăng có thể mở ra hy vọng mới cho điều trị chữa ung thư.
"Ở loài Turritopsis, đảo ngược quá trình phát triển là một phần của lộ trình có kiểm soát", Stefano Pirano, nhà sinh vật học chuyên nghiên cứu sứa bất tử tại Đại học Lecce, Italy, cho biết. "Ung thư sử dụng cơ chế gần như tương tự, là sự phát triển không kiểm soát của tế bào. Các tế bào mới được hình thành không có chủ đích".
Những tế bào mới ở sứa mặt trăng hình thành với mục đích rõ rành, vì vậy nghiên cứu loài sứa này sẽ giúp mở ra những hướng đi mới trong kiểm soát căn bệnh ung thư.
Dương Bùi