Geophilus hadesi là tên loài rết được đặt theo vị thần địa ngục Hades trong thần thoại Hy Lạp. Giáo sư Pavel Stoev và cộng sự làm việc tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên ở Sofia, thủ đô Bulgaria, đã phát hiện loài rết này sâu dưới hang động núi Velebit, Croatia. Họ công bố mô tả nó trên tạp chí ZooKeys hôm 30/6.
Khác với những loài rết thuộc bộ Geophilomorpha, vốn chỉ ẩn náu trong hang, G.hadesi sống trọn đời trong lòng đất tối tăm. G. hadesi là một trong hai loài rết duy nhất chưa từng rời khỏi lòng đất mà con người biết đến. Loài kia là Geophilus persephones, lần đầu được phát hiện trong một hang động ở Pháp trong thập niên 90.
Mặc dù rết Hades ẩn náu ở độ sâu khoảng 1.000 m dưới lòng đất, nơi chìm sâu trong bóng tối, chúng vẫn phát triển bình thường. Chúng có râu dài bất thường và những sợi lông cứng, hai thứ giúp chúng săn mồi trong bóng tối, Live Science dẫn lời Stoev.
G.hadesi ăn động vật sống – chủ yếu gồm ấu trùng, bọ đuôi bật, giun, mối, nhện và các loài côn trùng nhỏ. Mặc dù G.hadesi có nọc độc, rất có thể chúng hoàn toàn vô hại đối với con người, Stoev nhận định. Một trong những con rết G.hadesi sống ở độ sâu tới 1.100 m, mức sâu nhất đối với mọi loài dế.
Thân của G. hadesi dài và dẹt để chúng có thể luồn lách qua những khe đá với 33 cặp chân. Một số cặp chân của chúng có móng vuốt dài bất thường, các nhà nghiên cứu cho biết. Giống như những loài có móng vuốt ở chân, chẳng hạn như cua Yeti ở Nam Cực, có lẽ tạo hóa ban tặng rết Hades móng vuốt để chúng bám vào đá một cách an toàn hơn.
"Sự thay đổi hình dạng của một loài thường là kết quả của quá trình tiến hóa trong hàng triệu năm," Stoev nói. Rết Hades đã thích nghi với nhiệt độ lạnh trong hang sâu, nơi mức nhiệt thấp khoảng 3 độ C.
“Rất có thể sự thay đổi nhiệt độ và và những điều kiện tổng quan khác khiến những loài kém thích nghi phải chui xuống lòng đất tìm nơi trú ẩn, nơi môi trường ổn định hơn và không phụ thuộc vào những biến động bên ngoài”, Stoev nhận định.
Việt Phong