Tới vùng biển phía tây và phía bắc Australia, người dân có thể tình cờ bắt gặp loài ốc lớn nhất thế giới, ốc trumpet Australia (Syrinx aruanus). Chúng là những kẻ săn mồi đáng gờm kiếm ăn dưới đáy biển với kích thước có thể so sánh với chó Border Collie.
Nghiên cứu cho thấy, động vật thân mềm khởi đầu từ một con sên dẹt nhỏ được lớp giáp nhiều gai nhọn bao phủ. Sau đó, nhóm động vật này dần phát triển và những sinh vật ấn tượng với đủ kích thước lớn nhỏ ra đời, từ ốc Angustopila dominikae tí hon có thể nhét vừa lỗ kim đến ốc trumpet Australia khổng lồ.
Không chỉ là loài ốc lớn nhất thế giới, ốc trumpet Australia còn là loài chân bụng có vỏ lớn nhất còn tồn tại trên Trái Đất. Với phần chân màu vàng rực, chúng kéo theo chiếc vỏ đồ sộ có thể dài tới 91 cm. Với trọng lượng lên tới 18 kg, việc nâng một con ốc lên cũng giống như nâng một chiếc lốp ôtô.
Các quan sát thực địa và phân tích chất thải của ốc trumpet Australia chỉ ra, chúng thích ăn những loại giun nhiều tơ kích thước lớn như Polyodontes, Loimia và Diopatra. Trong một nghiên cứu trên nền tảng ResearchGate năm 2003, chuyên gia John D. Taylor tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên London cùng đồng nghiệp cho biết, năm tháng 7 - 8/2000, một số cá thể được phát hiện trên những bãi cát lầy của Vịnh Withnell, Tây Australia.
Bằng cách nhẹ nhàng kéo những con ốc trumpet Australia lên khỏi cát lầy, nhóm nghiên cứu thấy rằng một số cá thể đang đưa vòi vào trong các ống giun nhiều tơ lớn (giun nhiều tơ cư trú và được bảo vệ trong các ống). Một số cá thể nằm phía trên các ống giun nhiều tơ lớn rỗng, số khác nằm ở những chỗ trũng trên cát lầy.
Ống giun dài nhất mà nhóm nghiên cứu có thể lấy ra là 57 cm. "Sở hữu chiếc vòi dài có thể vươn ra là điều cần thiết để bắt những con giun lớn này, chúng có thể lui rất sâu vào trong các ống. Một số con ốc trumpet Australia được quan sát thực địa có vòi hẹp vươn dài ít nhất 250 mm vào trong ống giun", họ viết.
Ngoài kích thước ấn tượng, ốc trumpet Australia còn sở hữu hình dạng độc đáo được ví như một chiếc kèn trumpet. Vỏ của chúng có cấu trúc xoắn ốc đặc trưng. Những chiếc vỏ rỗng có thể được người bản địa Australia dùng làm nhạc cụ và bình đựng nước.
Thu Thảo (Theo IFL Science)