Các nhà nghiên cứu ở Viện Công nghệ Georgia phát hiện loài nhện súng cao su có thể tích trữ năng lượng để phóng vọt đi từ chiếc mạng hình lò xo với gia tốc 1.300 m/s2, gấp 100 lần gia tốc của báo săn. Gia tốc đó tạo ra vận tốc 4 m/s khiến loài nhện nhanh nhất thế giới chịu lực xấp xỉ 130 G, gấp hơn 10 lần những gì phi công máy bay chiến đấu có thể chịu được.
Nhện súng cao su có tên khoa học là Theridiosomatid, thường xây chiếc mạng hình nón ba chiều với dây căng gắn ở chính giữa. Khả năng bật nhảy của chúng được quan sát từ thập niên 1930, nhưng trước đây các nhà khoa học vẫn chưa thể giải thích rõ cơ chế. Trong báo cáo công bố hôm 17/8 trên tạp chí Current Biology, các nhà nghiên cứu mô tả chi tiết khả năng động lực thú vị của loài nhện này.
Hình ảnh từ camera tốc độ cao đặt ở Trung tâm Nghiên cứu Tambopata thuộc ngoại ô thành phố Puerto Maldonado, Peru, hé lộ nhện súng cao su dùng chân trước kéo căng sợi dây trong khi bám chặt vào mạng lưới bằng chân sau. Khi phát hiện một con ruồi và muỗi trong phạm vi tấn công, nó sẽ lao về phía con mồi. Nếu bắt mồi thành công, con nhện sẽ dùng tơ cuộn lấy bữa ăn. Nếu bắt trượt, nó chỉ cần kéo căng sợi dây và đặt lại chiếc mạng chờ cơ hội mới.
"Chúng tôi cho rằng chiến lược săn mồi này mang đến cho con nhện lợi thế về tốc độ và yếu tố bất ngờ, thậm chí cả hiệu quả làm con mồi choáng váng", Symone Alexander, nhà nghiên cứu sau tiến sĩ ở Viện Công nghệ Georgia, đồng tác giả nghiên cứu, cho biết.
Nhện súng cao su chỉ dài khoảng 0,1 cm, nhỏ hơn nhiều những côn trùng trong chế độ ăn của chúng, vì vậy chúng phải di chuyển thật nhanh nếu muốn kiếm ăn. "Nếu bạn so sánh chiếc lò xo bằng tơ tự nhiên với ống nano carbon hoặc vật liệu nhân tạo khác về mật độ năng lượng, nó hiệu quả hơn gấp nhiều lần", Saad Bhamla, giáo sư ở Trường Hóa học và Cơ khí Phân tử Sinh học thuộc Viện Công nghệ Georgia, nhận xét.
Nhện súng cao su là một trong số ít nhện sử dụng công cụ là chiếc mạng để đạt tốc độ cao như vậy. Alexander và Bhamla ước tính cần năng lượng khổng lồ để kéo căng chiếc mạng. Nhóm nghiên cứu suy đoán con nhện khóa khớp cơ "giống như chốt cửa" để không tốn nhiều năng lượng trong lúc chờ bữa ăn tiếp theo. Họ cho rằng, tìm hiểu cách thức lưu trữ năng lượng thông qua tơ nhện sẽ giúp ích cho việc chế tạo robot tý hon và nhiều thiết bị khác.
An Khang (Theo Sun)