Nhà du hành Neil Armstrong bước trên mặt trăng vào ngày 20/7/1969. Ảnh: NASA. |
Khi con người biết cách sử dụng lửa lần đầu tiên, không ai ghi chép sự kiện đó. Vào lúc anh em nhà Wright chứng minh rằng con người có thể bay, chỉ một nhóm người chứng kiến cảnh tượng ấy.
Nhưng khi chuyến đổ bộ lên mặt trăng của Neil Armstrong và Edwin "Buzz" Aldrin được truyền hình trực tiếp vào năm 1969, vài trăm triệu người đã theo dõi sự kiện đó qua màn hình tivi đen trắng từ khoảng cách hàng trăm nghìn km. Armstrong đã nói một câu bất hủ: "Đây là bước ngắn của một con người, nhưng là một bước tiến dài với nhân loại".
Mặc dù hơn một nửa dân số trên hành tinh ngày nay chưa ra đời vào lúc Armstrong đặt chân lên mặt trăng, đó vẫn là sự kiện làm thay đổi và mở rộng thế giới, AP khẳng định.
"Việc Armstrong đặt chân lên mặt trăng sẽ là một thành tựu mà nhân loại sẽ nhớ mãi. Đó thực sự là sự kiện truyền thông toàn cầu của loài người. Khoảng 600 triệu người, tương đương 20% dân số thế giới, đã xem những bước đi đầu tiên của con người trên mặt trăng", John Logsdon, giáo sư danh dự của Đại học George Washington, bình luận.
Roger Launius, một nhà nghiên cứu của Viện Smithsonian tại Mỹ, cho rằng khi các thế hệ sau liệt kê hai sự kiện lịch sử đáng nhớ nhất của thế kỷ 20, họ sẽ nghĩ tới chuyến đổ bộ đầu tiên lên mặt trăng và quả bom nguyên tử đầu tiên.
“Không ai có thể đánh giá thấp tầm quan trọng của chuyến đổ bộ đầu tiên lên mặt trăng trong lịch sử nhân loại và Armstrong sẽ gắn với sự kiện ấy mãi mãi”, Launius nói.
“Chuyến thám hiểm tới châu Mỹ từ 500 năm trước của Christopher Columbus tạo ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử. Tương tự, Neil Armstrong và phi thuyền Apollo 11 cũng tạo nên một thời đại mới”, Douglas Brinkley, một chuyên gia về lịch sử thế kỷ 20 của Đại học Rice tại Mỹ, bình luận.
Nhà văn quá cố Arthur C. Clarke, người từng viết những tác phẩm văn học giả tưởng nổi tiếng, từng mô tả chuyến đổ bộ của Apollo 11 lên mặt trăng là một sự kiện vĩ đại của lịch sử loài người.
“Giờ đây lịch sử và tiểu thuyết đã hòa quyện thành một”, Clarke lập luận.
Từ ngày Armstrong lên mặt trăng, người ta thường nói với nhau: “Nếu chúng ta có thể đưa người lên mặt trăng, tại sao chúng ta không thể làm việc này chứ?”.
Bước đi ngắn của Armstrong làm tăng sự tự tin của nhân loại, giúp chúng ta nghĩ rằng: Nếu con người có thể lên tới mặt trăng thì nhân loại có thể vượt qua mọi thách thức.
“20 năm trước khi tàu Apollo 11 bay lên mặt trăng, người ta vẫn chỉ nghĩ đó là một giấc mơ viển vông, nhưng Neil Armstrong đã biến nó thành hiện thực. Nếu chúng ta có thể thực hiện điều không tưởng trong lĩnh vực thám hiểm vũ trụ, chúng ta có thể tạo nên kỳ tích tương tự trong những lĩnh vực khác”, Howard McCurdy, giáo sư bộ môn vũ trụ và chính sách công của Đại học America tại Mỹ, phát biểu.
“Armstrong nhắc tới nhân loại, chứ không phải người Mỹ, trong câu nói bất hủ của ông. Với hành động đó, Armstrong muốn khẳng định chuyến đổ bộ của ông là thành tựu của cả thế giới”, McCurdy nói.
Minh Long