Sáng nay, máy bay ATR 72 số hiệu GE 235 chở 58 người rơi xuống sông Cơ Long, Đài Bắc, khiến hơn 20 người thiệt mạng và nhiều người mất tích.
Đây là vụ tai nạn mới nhất liên quan đến TransAsia sau thảm kịch rơi máy bay hồi tháng 7/2014, khiến 48 trong số 58 hành khách trên chuyến bay GE 222 của TransAsia thiệt mạng.
Sau tai nạn năm 2014, báo cáo cho thấy máy bay này đã hoạt động 13 năm, cơ trưởng đã 60 tuổi. Cục hàng không dân dụng Đài Loan ra quyết định đình chỉ giấy phép bay quốc tế của TransAsia một năm.
TransAsia là hãng hàng không tư nhân đầu tiên tại Đài Loan thành lập năm 1951, chủ yếu thực hiện các đường bay ngắn trong Đông Nam Á và từ Đài Loan đi Trung Quốc đại lục. Hãng này sở hữu 10 máy bay ATR 72, loại phi cơ phản lực cánh quạt do Pháp và Italy hợp tác phát triển.
Một chuyên gia hàng không giấu tên cho biết, ATR 72 là loại máy bay đời cũ, sản xuất từ năm 1989, tiêu chuẩn thời kỳ đó đã lạc hậu so với tiêu chuẩn hiện hành. Trên thế giới cũng từng xảy ra nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng liên quan tới ATR 72.
Theo số liệu toàn cầu của Mạng dữ liệu hàng không dân dụng Carnoc, kể từ năm 1994 đến nay đã có 13 sự cố nghiêm trọng liên quan đến ATR 72, trong đó có 10 vụ xảy ra thương vong.
Theo Cơ quan quản lý an toàn bay Đài Loan (ASC), từ năm 2002 đến nay, hãng TransAsia xảy ra 9 sự cố máy bay, trong đó 7 sự cố liên quan tới máy bay ATR 72, bao gồm cả vụ rơi máy bay sáng nay.
Tháng 12/2002, chuyến bay GE 791 rơi xuống ngoài khơi thành phố Mã Công, đảo Bành Hồ, nguyên nhân máy bay rơi đến nay vẫn chưa được tiết lộ. Tháng 9/2003, chuyến bay GE 517 bị hỏng động cơ số 2 khi cất cánh, ống xả động cơ phát lửa, khói ngập khoang hành khách. Tháng 12/2003, chuyến bay GE 006 cháy động cơ khi hạ cánh.
Theo số liệu năm 2013 của Carnoc, châu Á là khu vực có tỉ lệ tai nạn hàng không thấp nhất thế giới. Tuy nhiên, tại khu vực này, Đài Loan là nơi có tỉ lệ tai nạn tương đối cao. Tính từ năm 1967 đến nay, riêng khu vực đảo Bành Hồ, đã có 12 vụ tai nạn hàng không, khiến hơn 300 người chết hoặc mất tích.
Hồng Hạnh