Gigantopithecus blacki, tổ tiên xa xôi của con người từng lang thang ở khu vực bao gồm miền nam Trung Quốc cách đây 330.000 - 2 triệu năm. Nhưng loài vượn khổng lồ này biến mất từ lâu trước khi con người xuất hiện ở vùng đồng bằng đá vôi ngày nay thuộc tỉnh Quảng Tây, theo nghiên cứu của các nhà khoa học quốc tế công bố hôm 11/1 trên tạp chí Nature.
Nhóm nghiên cứu bao gồm những chuyên gia đến từ Đức, Nam Phi, Tây Ban Nha và Mỹ, đứng đầu là Zhang Yingqi, giáo sư ở Viện cổ sinh vật học động vật có xương sống và cổ nhân loại học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc, xem xét bằng chứng thu thập từ 22 hang động trên khắp Quảng Tây. Họ nhận thấy G. blacki tuyệt chủng vào gần cuối thế Canh Tân, sớm hơn nhiều so với giả định trước đây. Hơn nữa, nguyên nhân dẫn tới sự tuyệt chủng của loài linh trưởng đồ sộ là do chúng không thể điều chỉnh thói quan ăn uống và hành vi, so với những loài linh hoạt hơn như đười ươi, theo Kira Westaway, phó giáo sư kiêm nhà địa thời học tại Đại học Macquarie, đồng tác giả chính của nghiên cứu.
G. blacki từng phát triển mạnh trong những khu rừng rậm rạp với tán dày, có thể tiếp cận nguồn nước quanh năm và chế độ ăn ít thay đổi theo mùa. Khoảng 600.000 - 700.000 năm trước, sự phân mùa trở nên rõ rệt hơn và các khu rừng thưa phổ biến ở khu vực miền nam Trung Quốc ngày nay, giảm bớt tính đa dạng của nguồn thức ăn. Do không thể tìm thấy thức ăn ưa thích, G. blacki có ít nguồn dinh dưỡng dự phòng hơn. Loài vật trở nên kém linh động và có phạm vi kiếm ăn hẹp hơn. Chúng có dấu hiệu căng thẳng kéo dài và số lượng giảm dần. Cuối cùng, chúng tuyệt chủng cách đây 215.000 - 295.000 năm.
"Khi G. blacki phát triển, khu rừng rậm rạp cung cấp trái cây cho chúng ở mọi nơi chúng lang thang tới quanh năm. Đó là điều kiện sống tuyệt vời bởi chúng không cần lo lắng về thức ăn", Zhang giải thích. "Nhưng khi môi trường thay đổi, thức ăn ưa thích không có sẵn nữa. Sau đó, chúng chuyển sang lựa chọn ít dưỡng chất hơn như lá, vỏ và cành cây. Dù có thể ăn lượng lớn thức ăn như vậy, điều đó không đáp ứng nhu cầu dưỡng chất để đảm bảo sinh sản của chúng. Loài vật bắt đầu đối mặt áp lực sinh tồn cực lớn. Số lượng thu nhỏ và cuối cùng sụp đổ".
Zhang và cộng sự bắt đầu khai quật và thu thập bằng chứng từ hang động khoảng một thập kỷ trước. Họ lấy mẫu trầm tích hang động và phấn hoa để phục dựng môi trường G. blacki phát triển và biến mất, trong khi hóa thạch răng cung cấp gợi ý về thay đổi trong chế độ ăn và hành vi.
Ngược lại, loài họ hàng gần với G. blacki là đười ươi (chi Pongo) sinh sôi nhờ khả năng điều chỉnh kích thước, hành vi và môi trường sống ưa thích trong điều kiện thay đổi. Loài linh trưởng thông minh chỉ sống ở châu Á chia sẻ gần 97% ADN với con người. Tuy nhiên, chỉ có 3 loài đười ươi sống sót tới thời kỳ hiện đại ở Sumatra và Borneo. Ngay cả đười ươi Trung Quốc (Pongo weidenreichi), cũng chỉ có thể sống thêm 200.000 năm. Những hóa thạch gần nhất của chúng có niên đại trong khoảng 57.000 - 60.000 năm trước.
An Khang (Theo National Geographic)