Kỳ giông nhảy dù trong đường hầm gió. Video: Đại học Nam Florida
Kỳ giông lang thang (Aneides vagrans) sống trên một số cây cao nhất thế giới. Chúng chuyên nhảy xuống khi bị quấy rầy. Các nhà khoa học báo cáo về hành vi của loài kỳ giông này trên tạp chí Current Biology hôm 23/5/2022. Chúng dựa vào tư thế giống con người khi nhảy dù để giúp làm chậm và kiểm soát cú rơi.
"Dù hàng trăm loài kỳ giông không phổi có thể leo trèo, hành vi trên không của chúng hiếm khi được mô tả", Christian Brown, nghiên cứu sinh tiến sĩ ở Đại học Nam Florida, cho biết. "Nghiên cứu của chúng tôi về hành vi trên không hé lộ những loài kỳ giông sống trên cây cao, đặc biệt là kỳ giông lang thang dựa vào nhảy dù và chao liệng để giảm tốc độ và điều hướng cú rơi".
Khi làm việc với kỳ giông lang thang ở Đại học Humboldt, Brown nhận thấy chúng sẵn sàng nhảy từ bàn tay ông hoặc nhánh cây hồng sam và triển khai hành vi nhảy dù. Ông muốn tìm hiểu hành vi trên không này đóng vai trò như thế nào trong tự nhiên.
Trong nghiên cứu mới, Brown và đồng nghiệp bao gồm Erik Sathe, Robert Dudley, và Stephen Deban mô tả hoạt động trên không của kỳ giông lang thang, trong đó chúng duy trì tư thế liệng ổn định bằng cách điều chỉnh chân và đuôi. Trong thí nghiệm ở đường hầm gió, kỳ giông nhảy dù và giảm 10% tốc độ rơi theo phương thẳng. Chúng cũng kết hợp nhảy dù với chuyển động nhấp nhô của đuôi và thân để liệng hiệu quả ở những góc không phải thẳng đứng.
Theo Brown, kỳ giông lang thang đặc biệt thành thạo và dường như triển khai tư thế nhảy dù theo bản năng khi tiếp xúc với dòng khí. Chúng không chỉ tự giảm bớt tốc độ mà còn điều khiển tốt chuyển động lắc lư để giữ cơ thể đứng thẳng, xử lý khúc cua và liệng theo phương ngang. Mức độ kiểm soát trên không này vượt ngoài dự đoán của nhóm nghiên cứu.
Brown chia sẻ điều đáng chú ý nhất là kỳ giông không cần màng da để nhảy dù. Ông hy vọng phát hiện sẽ thu hút sự quan tâm đối với loài vật độc đáo này. Tiếp theo, nhóm nghiên cứu sẽ sử dụng mô hình động lực học chất lỏng trên máy vi tính và phần mềm phục dựng 3D để xác định kỳ giông tạo ra lực nâng như thế nào.
An Khang (Theo Sci Tech Daily)