Một tháng gần đây, căn hộ của chị Nguyễn Thùy Linh (33 tuổi, nhân viên văn phòng) tại một khu chung cư mới ở huyện Hoài Đức, Hà Nội xuất hiện nhiều gián nhỏ có hai sọc ở lưng và có màu vàng trắng, khác với gián thông thường. Ngày nào chị cũng đập 2-3 con, lôi hết tủ bàn ra quét dọn nhưng hôm sau gián lại xuất hiện.
Chị Linh đăng phàn nàn lên nhóm kín của khu nhà, hàng chục người khác cũng phản ánh nhà mình có gián tương tự. Ở những gia đình này, gián xuất hiện từ bếp, tủ giày, nhà tắm và cả ôtô... Chúng thường xuất hiện vào buổi tối và di chuyển rất nhanh.
"Nhà mình nghi nó từ đường thoát nước chui lên nhưng không phải, nó đóng quân ở cả máy giặt, tủ lạnh. Có dùng thuốc diệt gián nhưng cảm giác nó càng nhiều hơn chứ không ít đi. Mình nhiều đêm ngủ không được vì sợ gián chui vào phòng, vào tủ quần áo", chị Linh kể.
Để diệt gián, chị Linh cùng nhiều cư dân khác trong tòa nhà đã mua những loại thuốc đặc hiệu tốt nhất. Riêng chị Linh hết cả triệu đồng tiền thuốc dạng bả, nhưng gián vẫn hoành hành.
Anh Võ Quốc Toàn (50 tuổi) ở một chung cư tầm trung tại quận Hoàng Mai, Hà Nội, chia sẻ "năm 2018 khi tôi ở Anh cũng đã gặp loài gián này. Nhiều lần ban quản lý chung cư bên đó thuê người đến xử lý nhưng cũng không thể triệt để. Giờ về Việt Nam ở chưa đầy một năm đã gặp lại cơn ác mộng".
Không chỉ ở Hà Nội, trên các nhóm cư dân chung cư tại TP HCM cũng có một số người phản ánh về tình trạng gián lạ xâm nhập.
Anh Nguyễn Trung Lương, cư dân tại một chung cư cao cấp tại quận 1, TP HCM, cho biết loại gián nhỏ này không sợ người, nó thậm chí còn bò lên đùi, thức ăn khi gia đình đang ăn cơm. Anh đã 2 lần thuê đội xịt thuốc muỗi nhưng chỉ hiệu quả được vài tuần.
"Cách đây khoảng 2 năm, loài gián này đã xuất hiện nhưng không nhiều như bây giờ. Hiện tại mỗi ngày có đến 20 trường hợp gọi điện đến chúng tôi, nhờ tư vấn và thuê người diệt trong nhà. Đây chính là loài gián Đức rất khó để tiêu diệt", anh Đinh Hoàng Thắng, giám đốc một công ty diệt côn trùng quận Đống Đa, Hà Nội, cho biết.
Theo anh Thắng, trứng và ấu trùng gián Đức xuất hiện nhiều trong những thùng hàng được người dân mua về từ châu Âu. Loài này ưa di chuyển lên cao, nên các tòa nhà cao tầng là nơi chúng xuất hiện nhiều. Các khu chung cư mới trên địa bàn quận Hà Đông, quận Thanh Xuân, quận Cầu Giấy (Hà Nội)... từng nhiều lần gọi đến dịch vụ diệt gián của anh, nhà riêng lẻ thì hiếm. Chi nhánh công ty của anh tại TP HCM cũng nhận không ít đơn hàng diệt loài gián này.
Khi đặt thuốc diệt, gián theo đường ống thoát nước bò sang căn hộ khác rồi lại quay về. Thuốc xịt côn trùng chỉ hiệu quả một lần với chúng. Vì vậy, theo anh Thắng, người dân phải giữ vệ sinh nhà ở mới có thể xua đuổi loài gián này hiệu quả nhất. Chỉ cần một nhà còn gián, các nhà khác sẽ chịu cảnh sống chung với chúng.
Theo thạc sĩ Nguyễn Thị My (Viện Sinh thái bảo vệ công trình, tại Hà Nội), gián Đức là loài côn trùng thuộc họ gián Blattellidae, vào Việt Nam theo đường hàng không hoặc tàu biển. Loài này ưa ẩm ướt, gặp khí hậu nóng ẩm ở Việt Nam lại thuận lợi cho việc sinh sản. Chúng có cơ chế kháng thuốc, cộng với tốc độ chạy nhanh và thân hình nhỏ bé giúp chúng dễ dàng lẩn thoát.
Để khắc chế sự sinh sôi của gián Đức, người dân phải sửa nguồn nước rò rỉ trong nhà, trét kín các lỗ nhỏ, vết nứt, khe hở dọc tường và chân tường. Xoong nồi, bát đĩa nên úp ngược để gián không đẻ trứng. Không để thức ăn trên mặt bàn, thu dọn rác thường xuyên, dùng thùng rác có nắp.
Để tiêu diệt gián, có thể dùng thuốc diệt gián trộn lẫn với thực phẩm mà gián ưa thích (bột bánh, dầu ăn, đường...) đặt gần tổ của chúng. Ngoài ra, có thể sử dụng chất đuổi gián tự nhiên như tinh dầu bạc hà, vỏ dưa leo, vỏ cam quýt, tỏi... Hoặc thuê một đội diệt côn trùng chuyên nghiệp trên phạm vi toàn chung cư để có kết quả triệt để nhất.
Trọng Nghĩa