Loài ếch lớn nhất hiện nay là ếch Goliath (Conraua goliath), sống ở châu Phi. Chúng có thể dài hơn 30 cm và nặng hơn 3 kg. Tuy nhiên, chúng vẫn nhỏ hơn Beelzebufo, được coi là loài ếch lớn nhất từng tồn tại trên Trái Đất. Chúng dài tới 41 cm và có trọng lượng khoảng 4,5 kg, nặng hơn một em bé sơ sinh.
Ếch Beelzebufo còn được gọi là ếch quỷ. Chúng hiện đã tuyệt chủng, nhưng từng dạo bước trên đảo Madagascar vào cuối kỷ Phấn Trắng, khoảng 65 - 70 triệu năm trước. Điều này đồng nghĩa, chúng sống trên Trái Đất cùng lúc với nhiều loài khủng long.
Chúng được mô tả khoa học chính thức vào năm 2008 dựa trên một bộ sưu tập hóa thạch. Số hóa thạch này cho thấy chúng có kích thước cơ thể lớn đến mức được đặt tên khoa học là Beelzebufo ampinga. Tên gọi này bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp "Beelzebub", nghĩa là "ác quỷ", và từ tiếng Latin "bufo", nghĩa là cóc. Trong khi đó, "ampinga" dùng để chỉ phần đỉnh đầu bọc giáp của chúng.
"Loài ếch này là họ hàng của ếch sừng ngày nay, có kích thước tương đương quả bóng bãi biển hơi bẹp, với chân ngắn và miệng to", giáo sư Susan Evans từ khoa Khoa học sự sống thuộc Đại học College London miêu tả ếch Beelzebufo.
Khi những loài vật khổng lồ đã tuyệt chủng vẫn có họ hàng còn sống, giới chuyên gia có thể nghiên cứu hành vi của những họ hàng này để hiểu thêm về cách động vật cổ xưa từng sống. "Nếu có tính hung dữ và sử dụng chiến thuật phục kích 'ngồi chờ' của ếch sừng ngày nay, ếch Beelzebufo sẽ là loài săn mồi đáng gờm với động vật nhỏ. Chế độ ăn của chúng nhiều khả năng gồm côn trùng và động vật có xương sống nhỏ như thằn lằn, nhưng cũng có thể chúng đã ăn thịt cả khủng long mới nở hoặc khủng long chưa trưởng thành", Evans bổ sung.
Trong một nghiên cứu đăng trên tạp chí Scientific Reports năm 2017 về lực cắn của ếch Beelzebufo, nhóm chuyên gia tại Đại học Bách khoa Bang California sử dụng họ hàng ếch sừng của chúng làm mẫu. Cụ thể, họ cho ếch Ceratophrys cranwelli cắn một thanh cứng. So sánh sức mạnh và hình thái hàm của ếch Ceratophrys cranwelli với những gì đã biết về Beelzebufo, nhóm nghiên cứu kết luận rằng Beelzebufo rất có thể từng ăn những con mồi to lớn.
"Vì ở nhiều loài động vật 4 chân, kích thước con mồi tăng theo kích thước cơ thể, và Beelzebufo rõ ràng có khả năng cắn với lực mạnh, nên những cá thể lớn có thể săn nhiều loài vật cùng thời, bao gồm cá sấu nhỏ và khủng long nhỏ không phải chim", nhóm nghiên cứu kết luận.
Thu Thảo (Theo IFL Science)