Salp (Salpa fusiformis) phân bố rộng khắp Thái Bình Dương và Đại Tây Dương, chuyên ăn thực vật phù du và bất cứ thứ gì đủ nhỏ để mắc vào lưới kiếm ăn của chúng. Thường được mô tả là "quả cầu sứa" hoặc "xô nhầy", tổ chức sinh vật biển này trong suốt và có kết cấu như thạch, theo Live Science.
Có hơn 70 loài Salp trên khắp thế giới, trong đó Salpa fusiformis là loài phổ biến nhất. Salp có thể tìm thấy từ bề mặt đại dương tới độ sâu khoảng 800 m. Chúng có hình giống chiếc thùng, với kích thước từ 0,2 cm lúc sinh tới 10 cm khi trưởng thành. Chúng có thể nối với nhau thành chuỗi dài trôi dạt trên biển, theo dòng thủy triều.
Salp có thể đẩy bản thân bằng sức đẩy phản lực. Chúng bơm nước biển qua cơ thể bằng những dải cơ bắp quanh thân. Khi nước được đẩy qua cơ thể ra phía sau, Salp thu thập thức ăn và đẩy bản thân về phía trước. Do cấu tạo này, chúng là thành viên trong nhóm hải tiêu.
Khác với sứa, Salp không có tế bào đốt. Thức ăn của chúng là thực vật phù du, nhưng chúng lọc mọi thứ có thể bắt trong lưới cấu tạo từ chất nhầy dính. Do lọc lượng lớn nước, chúng đóng vai trò chủ chốt chống biến đổi khí hậu. Một đàn Salp trải rộng 100.000 km2 có thể thu thập tới 4.000 tấn CO2 trong một đêm.
Salp trưởng thành trải qua hai giai đoạn riêng biệt: giai đoạn oozoid vô tính và blastozooid hữu tính. Khi oozoid vô tính sẵn sàng sinh sản, nó tạo ra những chuỗi Salp dài, mỗi chuỗi là một bản sao của nó. Số Salp này sau đó phát triển thành blastozooid sinh sản hữu tính. Trứng phát triển ở bên trong cơ thể và Salp sinh con non. Con non bơi đi và lớn dần thành cá thể oozoid vô tính. Cuối cùng, cả chuỗi biến đổi thành con đực, giải phóng tinh trùng để thụ tinh cho trứng của blastozooid cái ở bên cạnh.
Trưởng thành chỉ trong 48 giờ, Salp là động vật đa bào phát triển nhanh nhất trên Trái Đất, tăng chiều dài cơ thể 10% mỗi giờ.
An Khang (Theo Live Science)