Được giao trọng trách gìn giữ an ninh trật tự, lực lượng thực thi pháp luật luôn cố gắng tìm cách hóa giải tình hình mà không gây ra thương vong. Theo Securitydii, để đáp ứng nhu cầu ấy, từ đầu thập niên 1970, nhà khoa học đã nghiên cứu và chế tạo loại đạn "túi đậu", chuyên dùng kèm các loại súng hoa cải cỡ nòng 12 gauge (xấp xỉ 18,5 mm).
Loại đạn này không được thiết kế để đâm xuyên cơ thể mà chỉ có tác dụng gây đau đớn phần mềm và vô hiệu hóa đối tượng. Hiện, đạn được sử dụng ở Bắc Mỹ, Anh, Israel, Mexico, Canada và nhiều quốc gia khác.
Đạn "túi đậu" trên thực tế không có hạt đậu bên trong. Cấu tạo của chúng bao gồm một chiếc túi vải nhỏ, bên trong túi vải chứa khoảng 40 g bi tròn làm từ chì với đường kính xấp xỉ 2 mm.
Khi được bắn ra khỏi nòng, viên đạn sẽ di chuyển với tốc độ 70-90 m/giây và lực tỏa đều trên bề mặt khoảng 6 cm2 khi chạm đích. Một số thiết kế còn có đoạn dây ngắn đằng sau để đường đi của viên đạn được ổn định và chính xác.
Tầm bắn tối đa của loại đạn này khoảng 20 m, nhưng chính xác nhất là trong phạm vi 6 m. Thiết kế của đạn túi đậu không để xuyên thấu mà chỉ gây ra co giật cơ bắp và các phản ứng khác, giúp vô hiệu hóa đối tượng tạm thời. Khi được sử dụng hợp lý, đạn túi đậu có thể khiến đối tượng lập tức gục ngã.
Dù không được thiết kế để sát thương, đạn "túi đậu" vẫn rất nguy hiểm nếu bị bắn ở cự ly gần vào những vị trí như mắt, cổ, tim hoặc xương sống. Cảnh sát được huấn luyện để bắn nhắm vào mông, đùi, cánh tay, hoặc dưới đầu gối.
Tuy vậy, vẫn có trường hợp hãn hữu xảy ra. Chicago Tribune đưa tin vào năm 2013 một người đàn ông 95 tuổi ở hạt Cook, bang Illinois, Mỹ đã tử vong do chảy máu dạ dày sau khi bị cảnh sát bắn bằng đạn túi đậu.
Để người dùng không nhầm lẫn, loại súng hoa cải chuyên dùng với đạn túi đậu thường được đánh dấu bằng lớp sơn khác biệt dễ nhận biết.
Loại đạn "túi đậu" thường được sử dụng khi đối tượng là mối nguy hiểm đối với chính bản thân họ và cả những người xung quanh nhưng lại không phải mối đe dọa trực tiếp cần bị ngăn chặn bằng vũ khí chết người. Ví dụ, người đang muốn tự sát và cầm dao trong tay hoặc người có vấn đề về tâm thần hay nhà chức trách muốn kiểm soát đám đông, kiểm soát bạo loạn nhà tù, hoặc để ngăn chặn thú dữ.
Bên cạnh đạn "túi đậu", cảnh sát các nơi còn dùng nhiều loại đạn có thiết kế và chất liệu khác (ví dụ như gỗ, cao su, hoặc nhựa) nhưng vẫn có chung mục đích là vô hiệu hóa đối tượng mà không dùng vũ lực quá mức.