Lầu Năm Góc hôm 7/7 công bố gói viện trợ quân sự thứ 42 cho Ukraine, trong đó có Đạn Thông thường Đa dụng Cải tiến (DPICM) được đánh giá là "hiệu quả cao và đáng tin cậy". Cơ quan này cho biết đã tham vấn rộng rãi với quốc hội Mỹ cùng các đồng minh và đối tác về quyết định cung cấp DPICM cho Kiev.
Tổng thống Mỹ Joe Biden cùng ngày cho biết "rất khó khăn" khi đưa ra quyết định cung cấp đạn chùm, song quân đội Ukraine "đang cạn đạn dược".
DPICM là thuật ngữ chỉ chung nhiều loại đạn pháo và rocket mang đạn con, với thiết kế tương đồng nhau. Phần lớn đạn DPICM được chế tạo trong thập niên 1970-1990, gồm các loại đạn pháo cỡ 105, 155 và 203 mm, cũng như rocket 227 mm cùng Tên lửa Chiến thuật Lục quân (ATACMS) phóng từ pháo phản lực M270 MLRS và M142 HIMARS.
DPICM được phát triển từ dòng Đạn Thông thường Cải tiến (ICM). Thuật ngữ "đa dụng" cho thấy DPICM có thể đối phó cả xe thiết giáp và mục tiêu mềm như binh sĩ, khí tài bình thường. Mỗi quả đạn con của DPICM được trang bị một đầu nổ lõm xuyên giáp (HEAT), bao quanh là phần vỏ kim loại có thể vỡ vụn thành nhiều mảnh và bắn ra xung quanh với tốc độ cực cao khi đầu đạn chính phát nổ.
Đạn mẹ DPICM thường phóng ra loạt đạn con ở vị trí đã được cài đặt từ trước trên đường bay. Đạn con có kích thước, khối lượng tương đồng với lựu đạn bộ binh và không có thiết bị dẫn đường. Chúng được gắn đuôi hãm bằng vải để ổn định quỹ đạo sau khi tách khỏi đạn chính.
DPICM có khả năng sát thương trên diện rộng tùy thuộc từng phiên bản. Một rocket M26 cỡ 227 mm phóng từ hệ thống HIMARS có thể chứa 644 quả đạn con M77 và phát tán chúng trên vòng tròn bán kính 200 m.
Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov đánh giá đạn chùm mà Mỹ viện trợ có thể giúp đẩy nhanh quá trình giành lại khu vực Nga đang kiểm soát. Ông Reznikov cũng cam kết sẽ không nã đạn chùm vào "lãnh thổ Nga được quốc tế công nhận".
Giới chuyên gia phương Tây nhận định DPICM có thể giúp Ukraine đối phó hiệu quả hơn với mạng lưới hầm hào và bãi mìn dày đặc của Nga, vốn đang gây thiệt hại nặng nề và cản bước chiến dịch phản công được chờ đợi từ lâu của Kiev.
"Hầm hào là phương án đối phó hiệu quả với đạn nổ mảnh thông thường của pháo binh, buộc phe tấn công dùng lượng lớn đạn pháo để bắn phá mà không thu được hiệu quả cao. Ngược lại, đạn chùm có thể bao phủ diện tích rộng trong thời gian ngắn, sử dụng tổng số đạn ít hơn nhiều. Các đạn con cũng có thể rơi thẳng xuống chiến hào và gây thương vong nặng cho bộ binh phòng thủ", chuyên gia Joseph Trevithick viết trên chuyên trang quân sự Warzone của Mỹ.
Điều này đặc biệt có lợi cho Kiev, trong bối cảnh tổng tư lệnh quân đội Valery Zaluzhny hôm 1/7 thừa nhận nguồn cung hạn chế khiến hỏa lực pháo binh Ukraine trong chiến dịch phản công chỉ tương đương 10% quân đội Nga.
"Một quả đạn DPICM có thể đạt hiệu quả tác chiến tương đương hoặc thậm chí vượt trội so với 5 quả rocket thông thường", Trevithick cho hay.
Điều quan trọng là số đạn DPICM trong kho dự trữ của Mỹ đang rất dồi dào. Mỹ sở hữu gần 3 triệu quả đạn loại này, phần lớn nằm tại nội địa và các căn cứ ở châu Âu, các nghị sĩ Cộng hòa viết trong thư gửi Tổng thống Joe Biden hồi tháng 3.
Tuy nhiên, loại đạn này gây nhiều tranh cãi, bởi những quả đạn con không phát nổ có thể vương vãi trên diện tích rộng và đe dọa dân thường sau xung đột, không khác gì mìn bộ binh. Các loại bom, đạn chùm được sử dụng từ Thế chiến II đã gây thương vong cho hàng chục nghìn thường dân trên khắp thế giới.
Thư ký báo chí Lầu Năm Góc Pat Ryder hôm 6/7 cho biết có "nhiều biến thể" đạn chùm, nhấn mạnh Washington sẽ không cung cấp cho Kiev những loại có tỷ lệ đạn con không nổ trên 2,35%, mà chọn tỷ lệ thấp nhất có thể.
Tuy nhiên, nhiều nhóm nhân quyền cho rằng Lầu Năm Góc không minh bạch về dữ liệu và đang kêu gọi làm rõ hơn. Cũng có lo ngại về độ chính xác và một số loại đạn chùm, trong đó có đạn pháo 155 mm, có tỷ lệ đạn con không nổ cao hơn nhiều so với báo cáo.
Marc Garlasco, cựu chuyên gia tình báo tại Lầu Năm Góc và hiện là cố vấn tại Hội đồng Nhân quyền của Liên Hợp Quốc, đặt nghi vấn về phương thức thử nghiệm của quân đội Mỹ.
"Đạn con DPICM có tỷ lệ không nổ khoảng 20% khi thực chiến, khác xa con số thống kê trong những thử nghiệm tiến hành dưới điều kiện hoàn hảo và phi thực tế. Tôi đã phải chứng kiến quá nhiều người Gruzia, Iraq, Lebanon và Afghanistan bị thương tật vì chúng, không thể chấp nhận những con số nhảm nhí như vậy", ông nói.
Vũ Anh (Theo Drive)