Với hàm răng sắc nhọn, hải ly đốn đổ cây và bụi rậm để xây đập, làm ngập những thung lũng dẫn tới sự ra đời của hàng loạt hồ nước có thể bao phủ diện tích vài hecta. Vùng nước mới góp phần đẩy nhanh tốc độ tan chảy của lớp đất đóng băng vĩnh cửu, nguồn dự trữ khí methane khổng lồ trong tự nhiên. Các nhà khoa học lo ngại khi quá trình này xảy ra, khí methane và carbon gây biến đổi khí hậu sẽ được giải phóng vào khí quyển.
Trong vài năm qua, giới nghiên cứu ghi nhận hải ly xuất hiện ở vùng lãnh nguyên Alaska, nơi chúng chưa bao giờ có mặt trước đây. Chúng đang tranh thủ xây đập ở môi trường sinh sống mới, theo nghiên cứu dựa trên ảnh vệ tinh độ phân giải cao đăng ở tạp chí Environmental Research Letters hôm 29/6. Hoạt động của chúng tạo ra hồ nước ở những địa điểm dễ thúc đẩy tốc độ tan chảy của lớp đất đóng băng vĩnh cửu. Số lượng công trình của hải ly tăng gấp đôi sau 4 năm, theo Ingmar Nitze, nhà nghiên cứu ở Viện Alfred Wegener thuộc Trung tâm Nghiên cứu Hải dương và Vùng cực Helmholtz ở Potsdam, Đức.
Nitze và cộng sự phát hiện số đập hải ly trong khu vực rộng 100 km2 bao quanh thành phố Kotzebue phía tây bắc Alaska, tăng từ 2 vào năm 2002 tới 98 trong năm 2019. Số đập hải ly ở khu vực 430 km2 ở bán đảo Baldwin của Alaska cũng tăng từ 94 năm 2019 lên 174 vào năm 2013 và 409 trong năm 2019.
Nitze cho biết có vài yếu tố khác nhau giúp lý giải tại sao hải ly lại xâm chiếm vùng cực. Một nguyên nhân là biến đổi khí hậu làm thay đổi vùng lãnh nguyên không cây cối. Nhiều cây bụi mọc ở đó, cung cấp thức ăn và vật liệu cho hải ly xây đập. Các hồ nước với lớp băng mỏng hơn tạo điều kiện sống lý tưởng cho hải ly. Chúng cũng không phải đối mặt với động vật săn mồi hoặc chịu sự cạnh tranh về tài nguyên.
Do các hồ nước mà hải ly tạo ra có nhiệt độ nước ấm hơn đất đai xung quanh, chúng làm lớp đất đóng băng vĩnh cửu tan nhanh hơn. Theo nhóm nghiên cứu, hải ly cũng xây đập ở vùng lãnh nguyên của Canada và Siberia. Họ đang mở rộng phân tích ảnh hưởng trên quy mô lớn hơn.
An Khang (Theo CNN)