Chim hải âu mặt trắng bay gần mắt bão trong hàng giờ mỗi lần, theo báo cáo hôm 11/10 của các nhà khoa học trên tạp chí Proceedings of the National Academy of Sciences. Hành vi kỳ lạ này có thể giúp hải âu mặt trắng sống sót trong những cơn bão mạnh và chưa từng được ghi nhận ở bất kỳ loài chim nào khác.
Chim và các loài động vật khác sống trong khu vực thường xuyên xảy ra giông bão phát triển chiến thuật để sinh tồn trước cơn bão chết chóc. Trong các năm gần đây, một số nghiên cứu sử dụng thiết bị theo dõi GPS hé lộ vài loài chim sống ở biển như cốc biển (Fregata minor) sẽ bay theo đường vòng lớn để tránh bão. Đây là chiến thuật dễ hiểu đối với những loài chim trải qua phần lớn thời gian ở biển và không có nơi nào để trú ẩn, theo Emily Shepard, nhà sinh thái học hành vi ở Đại học Swansea tại Wales. Để tìm hiểu chim hải âu có tránh bão không, Emily và đồng nghiệp sử dụng dữ liệu theo dõi GPS trong 11 năm gắn trên cánh của 75 con chim làm tổ trên đảo Awashima tại Nhật Bản.
Thông qua kết hợp thông tin này với dữ liệu về sức gió trong cơn bão, nhóm nghiên cứu phát hiện hải âu mặt trắng gặp bão giữa biển sẽ dựa theo chiều gió để bay quanh rìa cơn bão. Tuy nhiên, những con chim bị mắc kẹt giữa đất liền và mắt bão mạnh đôi khi bay thẳng vào trung tâm cơn bão thay vì tuân theo cách bay thông thường.
Trong số 75 con chim hải âu mà các nhà nghiên cứu theo dõi, 13 con bay trong phạm vi 60 km quanh mắt bão, nơi gió mạnh nhất, trong thời gian lên tới 8 giờ. "Đây là một trong những khoảnh khắc chúng tôi không thể tin vào những gì mình nhìn thấy. Chúng tôi có vài dự đoán về cách chúng hành động, nhưng không dự đoán nào đúng", Emily chia sẻ.
Khi bão Cimaron tràn qua biển Nhật Bản vào tháng 8/2018, thiết bị GPS theo dõi chuyển động của 32 con chim hải âu mặt trắng ngoài khơi. Dữ liệu theo dõi cho thấy 3 con chim bay vào mắt cơn bão qua những cơn gió mạnh nhất.
Chim hải âu nhiều khả năng hướng vào mắt bão trong những cơn bão mạnh, bay nhanh tới 75 km/h. Điều này chứng tỏ chúng có thể bay theo mắt bão để tránh bị thổi vào đất liền, nơi chúng có nguy cơ rơi xuống đất hoặc va vào mảnh vỡ, theo Emily.
Tuy đây là lần đầu tiên hành vi này được ghi nhận ở loài chim, bay theo gió là chiến thuật phổ biến để bảo tồn năng lượng trong cơn bão, theo Andrew Farnsworth, nhà điểu học ở Đại học Cornell.
An Khang (Theo Science News)