Kền kền râu (Gypaetus barbatus) cao khoảng 100 - 115 cm với sải cánh dài 2,5 - 2,85 m, tương đương kích thước của một số loài chim săn mồi lớn ở Bắc Mỹ. Chúng có vẻ ngoài ấn tượng với đầu màu trắng ngà, đôi mắt sắc bén có viền đỏ cam nổi bật. Đôi mắt sắc của chúng càng thêm nổi bật nhờ dải lông đen tuyền kéo dài xuống mỏ, giống như mặt nạ của kẻ cướp. Dưới mỏ là một chùm lông lởm chởm, mang đến cho chúng tên gọi kền kền râu.
Khi trưởng thành, kền kền râu chủ yếu có lông màu xám đậm và trắng ngà. Tuy nhiên, phần lông ở đầu, ngực và chân thường nhuốm màu cam gỉ do thói quen tắm trong bùn đất giàu sắt và suối lưu huỳnh.
Theo Hiệp hội Audubon Quốc gia, một tổ chức phi lợi nhuận về môi trường của Mỹ, có hai cách lý giải cho hành vi tắm nhuộm đỏ của kền kền râu. Đầu tiên là để thể hiện khả năng. Những dòng suối giàu sắt ẩn mình giữa núi nên chỉ những con giỏi nhất mới tìm được, qua đó thể hiện bản lĩnh với bạn tình và đối thủ. Cách lý giải thứ hai là oxit sắt giúp chống lại vi khuẩn, vốn phổ biến trong xác thối mà chúng thích ăn.
Trước đây, kền kền râu phân bố rộng rãi ở nhiều dãy núi thuộc châu Phi, châu Âu và châu Á. Tại châu Âu, môi trường sống của chúng từng trải rộng khắp các dãy núi phía nam lục địa, từ miền tây Tây Ban Nha qua dãy Alps đến vùng Balkan. Nhưng hiện nay, môi trường sống của chúng ở châu Âu chỉ còn một số khu vực nhỏ thuộc dãy Pyrenees và dãy Sierra Nevada ở Tây Ban Nha, dãy Alps. Một số quần thể nhỏ kền kền râu cũng sống trên hai đảo Corsica và Crete ở Địa Trung Hải. Chúng đôi khi còn được phát hiện ở Tây Âu, bao gồm Anh, dù rất hiếm.
Kền kền râu còn được gọi là Lammergeier, nghĩa là "kền kền cừu" trong tiếng Đức vì thường xuyên bắt cừu. Chúng là loài ăn xác thối chủ yếu nhắm đến động vật móng guốc kích thước trung bình như cừu, dê, dê núi ibex. Tuy nhiên, thịt không phải là món yêu thích của chúng.
Kền kền râu là loài chim duy nhất trên thế giới chủ yếu ăn xương, chiếm 85 - 90% khẩu phần ăn. Những móng vuốt lớn và khỏe của chúng thích ứng tốt cho việc đập vỡ xương và lấy dinh dưỡng từ tủy bên trong. Kền kền râu cũng có dạ dày chứa axit cực mạnh để tiêu hóa xương. Nếu khúc xương quá lớn để nuốt chửng, chúng sẽ bay lên cao rồi thả xương xuống nơi nhiều đá để làm vỡ thành những mảnh vừa ăn. Vì lý do này mà chúng được gọi là "quebrantahuesos" trong tiếng Tây Ban Nha, nghĩa là "kẻ phá xương".
Thu Thảo (Theo IFL Science)