Nhóm nghiên cứu do Jiri Dolezal, đến từ Viện Thực vật học thuộc Học viện Khoa học Cezch, phụ trách vừa phát hiện 6 loài cây đệm phát triển ở vùng đất sỏi đá trên núi Shukule II, phía tây dãy Himalaya, thuộc vùng Ladakh, Ấn Độ. Đây là lần đầu tiên thực vật có mạch được tìm thấy ở độ cao 6.150 m trên mực nước biển, New Scientist hôm 1/12 đưa tin.
Chúng đều phát triển khỏe mạnh, mang nhiều đặc điểm nhằm chống chọi mùa đông dài và thiếu nước. Mỗi cây nhỏ hơn một đồng xu, bên trong chứa chất chống đông có hàm lượng đường cao. Lá cây sắp xếp thành hình giống hoa hồng giúp chúng giữ không khí ấm.
Các loài cây đệm có rễ rất nhỏ, phần lớn mới xuất hiện tại khu vực này cách đây vài năm. Tuy nhiên, Dolezal phân tích được một đoạn rễ có 20 vòng sinh trưởng, chứng tỏ một số cây đã phát triển ở đây trong hai thập kỷ.
Thực vật trước đây thường gặp hạn chế khi phát triển ở độ cao lớn do chúng cần vùng đất mỗi năm có ít nhất 40 ngày không trải qua sương giá để phát triển. Tuy nhiên, do biến đổi khí hậu khiến nhiệt độ trên dãy Himalaya tăng lên, thực vật bắt đầu xuất hiện ở đây và các đỉnh núi khác trong khu vực. Chúng có thể phát triển từ các hạt giống được thổi đến vùng đất băng tan.
"Trên dãy Himalaya khô cằn có rất nhiều ngọn núi với những vùng rộng lớn không bị đóng băng. Thời gian không sương giá kéo dài hơn, đồng nghĩa với việc nhiều môi trường sống mới sẵn sàng để thực vật phát triển", Dolezal nói.
Theo ông, nhiệt độ trung bình vào mùa sinh trưởng ngắn ở đây đã tăng khoảng 6 độ C trong một thập kỷ qua. Vì thế, Dolezal tin rằng thực vật sẽ phát triển lên cao hơn trong tương lai.
Xem thêm: Mảnh đất nơi cây cối mọc ngang vì gió
Hiền Anh