Các nhà khoa học nghiên cứu bộ xương hóa thạch một phần của hai con cá sấu khổng lồ khai quật tại tỉnh Quảng Đông phía nam Trung Quốc cách đây vài thập kỷ. Hóa thạch thuộc về một loài cá sấu ăn cá và có dấu vết bị chặt đầu để phục vụ nghi thức. Được phát hiện cách đây nửa thế kỷ ở châu thổ sông Châu Giang, các hóa thạch đang được bảo quản ở bảo tàng tại Quảng Đông. Nhóm nghiên cứu ước tính con cá sấu dài 6 m từ mõm tới đuôi và là động vật ăn thịt hàng đầu trong môi trường của chúng.
Phân tích hóa thạch xương cho thấy hai con cá sấu bị tấn công và chặt đầu bằng vũ khí giống chiếc xẻng, theo kết quả nghiên cứu công bố hôm 9/3 trên tạp chí Proceedings of the Royal Society B. Vết chặt đầu và tài liệu lịch sử cho thấy xung đột giữa người và cá sấu đã kéo dài ở miền nam Trung Quốc từ thời Đồ Đồng cho tới vài trăm năm trước khi loài vật tuyệt chủng.
Trưởng nhóm nghiên cứu Liu Jun, giáo sư khảo cổ và địa lý lịch sử ở Đại học Công nghệ Hợp Phì, cho biết ông và cộng sự đặt tên cho loài cá sấu khổng lồ mới là Hanyusuchus sinensis, theo tên vị quan kiêm nhà thơ Hàn Dũ thời nhà Đường, người có công quản lý cá sấu đe dọa cư dân và gia súc.
Hóa thạch cá sấu được cho là có niên đại từ thế kỷ 14 - 10 trước Công nguyên, trong khi nhà Đường tồn tại từ giữa thế kỷ 7 đến đầu thế kỷ 10. Loài cá sấu được nhắc tới trong sử sách thời nhà Đường có kích thước tương tự hóa thạch và khó có khả năng hai loài giống nhau cùng sinh sống trong một khu vực suốt 1.000 năm, Liu cho biết.
Người Trung Quốc cổ đại rất ghét cá sấu bởi chúng thường tấn công con người và gia súc. Cá sấu cổ đại sinh sống dọc những hệ thống sông lớn chảy qua tỉnh Quảng Tây, Quảng Đông và Phúc Kiến ở miền nam Trung Quốc ngày nay. Phạm vi phân bố của chúng ngày càng thu hẹp trong hai thiên niên kỷ qua do sự xuất hiện của nhiều đô thị kèm theo hoạt động nông nghiệp.
Loài mới phát hiện có chung những đặc điểm hộp sọ quan trọng với các thành viên còn lại trong họ cá sấu, cung cấp mắt xích còn thiếu trong quá trình tiến hóa của chúng. Liu và cộng sự sẽ tiếp tục nghiên cứu hóa thạch với mẫu mô còn sót lại. Nếu thu thập thành công vật liệu di truyền, họ có thể tìm hiểu loài mới nằm ở đâu trên cây phả hệ của cá sấu.
An Khang (Theo SCMP)