Cá mặt quỷ có 13 chiếc gai chứa độc được ẩn dọc vây lưng. Chúng sống tại rạn san hô thường săn cá và động vật giáp xác bằng cách nằm bất động chờ con mồi tới gần rồi tấn công nhanh chóng, theo Bảo tàng Australia tại Sydney.
Độc tố từ loài cá này được tiết ra từ gai trên vây chạy dọc sống lưng, chứa lượng chất độc cực hại và có thể gây cơn đau đớn dữ dội, thậm chí dẫn đến tử vong.
Những chiếc gai nhọn như mũi kim tiêm hoạt động như cơ chế phòng thủ và được dựng thẳng đứng khi con cá cảm thấy bị đe dọa.
Mỗi đầu gai trên lưng đều trang bị hai tuyến nọc độc bên ngoài. Độ nghiêm trọng của vết thương được xét trên căn cứ nạn nhân đã tiếp xúc với bao nhiêu chiếc gai và độ sâu mà gai găm vào da.
Mặc dù cơn đau được miêu tả là vô cùng nhức nhối, một số người cho rằng liệu pháp nước nóng cũng có tác dụng làm dịu vết thương và vô hiệu hóa chất độc trong khi chờ cứu trợ y tế.
Nhà nghiên cứu sinh vật học Bryan Fry, phó giáo sư tại Đại học Queensland, Australia, cho biết: "Khi nạn nhân giẫm lên lưng con cá, tuyến nọc độc sẽ giãn ra và phun độc từ những chiếc gai dọc vây lưng".
Năm 1959, một loại thuốc kháng độc loài cá này đã được phát triển nhằm giảm khả năng xảy ra những biến chứng nghiêm trọng. Mỗi năm, có hàng trăm đến nghìn người giẫm phải loài cá độc này ở bờ biển phía đông Australia.
"Cá mặt quỷ" là tên được dùng để gọi 5 loài cá thuộc chi Synanceia, bao gồm những loài thường sinh sống tại rạn san hô (Synanceia verrucosa) và cửa sông (Synanceia horrida). Loài cá này được coi là "bậc thầy ngụy trang" với kỹ năng ẩn mình giữa lớp san hô hoặc đá ngầm dưới đáy biển Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (Indo-Pacific).
Cá mặt quỷ dài 30 - 40 cm, giỏi ngụy trang và sử dụng tốc độ để săn mồi. Sau khi cá xác định được con mồi, nó tung ra cú đớp chỉ trong 0,015 giây để nuốt gọn đối phương.
Khánh Vy (Theo IFL Science)