Một loài cá ốc được phát hiện tại rãnh đại dương sâu nhất thế giới Mariana ở Thái Bình Dương, cách mặt nước 8.200 m. Chúng có màu hồng nhạt, hình dáng hơi giống con nòng nọc lớn quá khổ và chỉ dài 30 cm. Cá ốc Mariana kiếm ăn hoàn toàn trong bóng tối, dưới áp suất có thể lớn gấp 1.000 lần so với ở mực nước biển.
Cá ốc Mariana không chỉ có số lượng dồi dào mà còn là loài săn mồi hàng đầu trong khu vực. Trong nghiên cứu công bố hôm 15/4 trên tạp chí Nature, các nhà khoa học Trung Quốc kiểm tra đặc điểm cơ thể và di truyền của cá ốc. Họ thu thập mẫu vật bằng thiết bị điều khiển từ xa, sau đó phân tích bộ gene, protein và giải phẫu cơ thể.
Nhóm nghiên cứu phát hiện một số đặc điểm khác thường. Đầu tiên, cá ốc Mariana có những khe hở ở hộp sọ. Theo tác giả nghiên cứu, Kun Wang ở Đại học Bách khoa Tây Bắc, điều này có thể giúp cân bằng áp suất ở trong và ngoài cơ thể. Nói cách khác, nếu cá ốc có hộp sọ hoàn chỉnh và liền nhau, chúng có thể bị áp suất nghiền nát.
Ngoài ra, bộ xương của cá ốc phần lớn cấu tạo từ sụn. Trên thực tế, nhóm nghiên cứu nhận thấy cá ốc có một đột biến ở gene chính đứng sau quá trình canxi hóa, sự tích tụ canxi làm cứng xương. Đột biến này khiến cho gene hoạt động không hoàn chỉnh. Kết quả là bộ xương của cá ốc trở nên linh hoạt hơn và chịu áp suất tốt hơn.
Áp suất cao cũng có thể phá hủy các protein, phân tử đóng vai trò quan trọng để các quá trình sinh lý diễn ra bình thường. Nhóm nghiên cứu phát hiện cá ốc Mariana có lượng lớn hợp chất tên trimethylamine N-oxide (TMAO) giúp ổn định protein. Dưới áp suất lớn, ngay cả việc đưa hóa chất vào và ra khỏi tế bào cũng trở nên khó khăn. Cá ốc Mariana khắc phục vấn đề này bằng cách sản sinh nhiều protein để vận chuyển những hợp chất cần thiết, Wang cho biết.
Mắt của cá ốc không hoạt động và không phản ứng với ánh đèn từ thiết bị của nhóm nghiên cứu. Nhiều khả năng đó là do chúng thiếu một số gene thụ quan ánh sáng. Do sống hoàn toàn trong bóng tối, chúng không có nhu cầu phát hiện ánh sáng mà chúng không bao giờ nhìn thấy.
An Khang (Theo National Geographic)