Các nhà tự nhiên học đã chứng kiến một số con bướm bông tai trưởng thành quấy rối, tấn công và thậm chí tàn sát con non cùng loài hoặc cùng họ, điều chưa từng được ghi nhận trước đây ở bất kỳ loài bướm nào khác.
Trong nghiên cứu xuất bản trên tạp chí Ecology vào tuần trước, các tác giả cho rằng hành vi gây sốc này nhằm mục đích hấp thụ nọc độc alkaloid bên trong ấu trùng. Trước đây, bướm bông tai cũng từng được quan sát thấy ăn thịt châu chấu và lá của các loài thực vật có chứa chất độc alkaloid.
Việc hấp thụ alkaloid rất quan trọng đối với bướm bông tai như một cơ chế tự vệ. Hợp chất này làm cho chúng trở nên "kém ngon" và "độc hại", khiến những kẻ săn mồi tránh xa. Đối với bướm đực, alkaloid còn là một thành phần của pheromone giao phối và được tặng cho con cái trong quá trình ghép đôi như một món quà.
Hành vi tấn công con non để hấp thụ độc tố của Daniadae được phát hiện bởi nhà tự nhiên học Jonathan Wei Soong người Singpore và cựu sinh viên Đại học Sydney Yi-Kai Tea trong lúc tham quan Khu bảo tồn Thiên nhiên Tangkoko Batuangus ở phía bắc đảo Sulawesi của Indonesia. Cả hai có chung niềm đam mê chụp ảnh macro nên đã quyết định dành những ngày nghỉ của mình để khám phá thế giới côn trùng trong khu bảo tồn.
Ngay trong ngày đầu tiên, họ đã may mắn ghi lại rất nhiều hình ảnh và thước phim về hàng trăm con bướm bông tai tụ tập quanh một thảm thực vật dưới mặt đất, một cảnh tượng không thường thấy. Đến cuối ngày, khi xem lại những gì ghi được, hai người đàn ông liền nhận ra điều kỳ lạ và quyết định chỉ tập trung theo dõi hành vi của bướm bông tai trong hai ngày tiếp theo.
Họ đã quan sát 7 loài Daniadae và bắt gặp những bướm trưởng thành tấn công ấu trùng (sâu bướm) - gồm cả những con còn sống và đã chết - bằng móng vuốt, gây ra vết thương nghiêm trọng đến mức làm dịch bên trong sâu bướm rỉ ra ngoài. Hành vi này không hẳn là "săn mồi" vì một số con non vẫn sống sót sau cuộc chạm trán.
Tea nhấn mạnh rằng những vụ "bạo hành" như vậy giữa bướm thành trưởng thành và ấu trùng không phải hiếm. "Bướm có một loạt hành vi thực sự ghê rợn. Một ví dụ là hiện tượng những con bướm đực cố gắng xâm nhập vào nhộng, hay những con bướm cái chưa hoàn thành quá trình biến thái, và buộc chúng phải giao phối", cựu sinh viên Đại học Sydney cho biết.
"Càng tìm hiểu, chúng ta càng thấy côn trùng hung dữ và uống máu lẫn nhau. Nhưng ở khía cạnh nghiên cứu khoa học, đó là những phát hiện thú vị. Nó thôi thúc chúng ta bước ra ngoài để khám phá những tương tác sinh học trong thế giới vi mô", Tiến sĩ Clint Penick, trợ lý giáo sư tại Đại học Bang Kennesaw của Mỹ, chia sẻ thêm.
Đoàn Dương (Theo NY Times)