Lóa mặt trời cấp M5 với độ mạnh trung bình được ghi nhận bởi Đài quan sát Solar Dynamics của NASA phát ra từ vệt đen AR3141 vào 6h11 ngày 7/11 theo giờ Hà Nội. Cơn bão tạo ra luồng bức xạ ion hóa khí quyển Trái Đất.
Vệt đen là những vùng tối trên bề mặt Mặt Trời, nơi có từ trường mạnh, tạo bởi các dòng điện tích, vặn xoắn thành vòng kín trước khi đứt đột ngột. Kết quả là năng lượng giải phóng sản sinh luồng bức xạ gọi là lóa mặt trời và dòng vật chất gọi là cơn phun trào vành nhật hoa (CME). CME đi kèm vết lóa hôm 7/11 không hướng thẳng về phía Trái Đất. Vết lóa xuất hiện bất ngờ đến mức các nhà khoa học không kịp cảnh báo trước sự kiện.
Cục Quản lý Đại dương và Khí quyển Quốc gia Mỹ (NOAA) phân loại lóa mặt trời theo 5 cấp A, B, C M và X dựa trên cường độ tia X mà chúng giải phóng, mỗi cấp có cường độ mạnh gấp 10 lần cấp trước đó. Khi tới Trái Đất, tia X và bức xạ cực tím tạo bởi lóa mặt trời ion hóa nguyên tử ở tầng thượng quyển, khiến tầng này không thể phản xạ sóng vô tuyến tần số cao và gây mất sóng. Mất sóng vô tuyến xảy ra ở những khu vực Mặt Trời chiếu sáng trong thời gian xuất hiện vết lóa và được phân cấp từ R1 đến R5 dựa theo mức độ nghiêm trọng. Vết lóa gần đây nhất gây ra mất sóng vô tuyến cấp R2.
Giới thiên văn học bắt đầu theo dõi hoạt động của Mặt Trời từ năm 1775. Hoạt động của Mặt Trời tăng và giảm theo chu kỳ 11 năm, và đặc biệt cao trong thời gian qua với số lượng vệt đen gần gấp đôi so với dự đoán của NOAA. Hoạt động gia tăng của Mặt Trời phát ra nhiều sóng plasma năng lượng cao và luồng tia X va đập với từ trường Trái Đất, làm rơi vệ tinh Starlink, gây mất sóng vô tuyến và cực quang ở phương nam như Pennsylvania, Iowa và Oregon.
Lóa Mặt Trời sẽ ập tới Trái Đất nhiều hơn trong những năm tới. Các nhà nghiên cứu dự đoán hoạt động của Mặt Trời sẽ tăng dần, đạt cực đại vào năm 2025 rồi giảm lần nữa.
Vào đêm diễn ra bão mặt trời, cực quang phương bắc sẽ dễ thấy hơn nhiều so với ở phương nam. Đó là vì từ trường Trái Đất bị nén nhẹ bởi sóng hạt mang điện tích cao, làm rách đường sức từ và kích thích các phân tử trong khí quyển.
An Khang (Theo Live Science)