Lóa Mặt Trời là những vụ nổ bức xạ điện từ bắt nguồn từ bầu khí quyển của Mặt Trời. Chúng có thể phun hạt năng lượng cao với tốc độ ánh sáng về phía Trái Đất, gây mất sóng vô tuyến, đe dọa mạng lưới vệ tinh và tạo ra cực quang rực rỡ ở hai cực. Lóa Mặt Trời lớp X là mạnh nhất, cấp độ tiếp theo là M, và yếu nhất lần lượt là C, B, A, trong đó mỗi lớp đằng trước mạnh gấp ít nhất 10 lần lớp sau. Ở mỗi lớp, cường độ được phân loại chi tiết hơn từ 1 đến 9 theo sức mạnh tăng dần.
Hôm 6/1, Đài quan sát Động lực học Mặt Trời (SDO) của NASA đã ghi nhận một đợt bùng phát cấp X1,2 trên thang đo, biến nó trở thành một trong những lóa Mặt Trời mạnh nhất kể từ tháng 10 năm ngoái. Sự kiện gây mất sóng vô tuyến diện rộng trên các vùng của Australia và Nam Thái Bình Dương.
Lóa Mặt Trời cấp X1,2 được SDO ghi lại vào hôm 6/1. Video: NASA/SDO/Helioviewer
Đợt bùng phát này bắt nguồn từ một vết đen phức tạp có tên là AR3182. Vết đen là những khu vực tối và mát hơn ở tầng thấp nhất của bầu khí quyển Mặt Trời, trong đó các đường sức từ của ngôi sao bị xoắn và bẻ cong. Lóa Mặt Trời xuất hiện từ những vùng này khi các đường sức từ bùng nổ, giải phóng năng lượng.
Mới tháng trước, Mặt Trời đã giải phóng ít nhất 8 vết lóa lớp M từ vết đen AR3165, trong đó có một đợt bùng phát cấp M6 cũng gây ra sự cố mất sóng vô tuyến trên Đại Tây Dương vào ngày 14/12.
Vết đen đóng vai trò như chỉ số hoạt động trên bề mặt Mặt Trời. Số lượng các vết đen và lóa Mặt Trời gia tăng trong những tháng vừa qua là dấu hiệu cho thấy ngôi sao sắp đạt đến đỉnh của chu kỳ 11 năm, thời điểm từ trường của nó bị đảo ngược và dự kiến giải phóng nhiều vết lóa lớp X hơn.
Đoàn Dương (Theo Interesting Engineering/Newsweek)