Tại một siêu thị điện máy nằm trên đường Hoàng Diệu (quận 4), anh Nguyễn Phong (35 tuổi, huyện Nhà Bè) đang tìm mua một chiếc loa dạng hộp có tay kéo với mức giá khoảng 3 triệu đồng. "Tôi thích hát nhưng không đủ tiền mua dàn karaoke nên tìm mua loa 'kẹo kéo'. Tôi đã thử dùng của một vài người bạn và cảm thấy hài lòng", anh Phong chia sẻ.
Anh Lê Phước (25 tuổi, quận 7) lại tìm đến loa kéo vì sự tiện lợi và gọn nhẹ. "Thay vì sắm cả bộ dàn đắt tiền, một chiếc loa kéo có thể dùng để vui vẻ với bạn bè mọi lúc mọi nơi. Nó dễ di chuyển, chỉ cần kết nối với điện thoại là hát được", anh Phước cho biết. Một người bạn đi cùng anh Phước cũng cho biết, anh cũng đang tìm mua một chiếc loa mới bởi bộ dàn karaoke nhà anh không có cách âm nên mỗi lần tụ tập bạn bè lại ảnh hưởng đến hàng xóm.
Loa "kẹo kéo" hay loa "vali kéo" là loại loa có cấu tạo giống như một chiếc vali, hỗ trợ bánh xe phía dưới để tiện việc di chuyển. Trước đây, các mẫu loa này được những người hát rong, bán kẹo kéo sử dụng (đó là lý do chúng có tên gọi trên). Nhưng khoảng một đến hai năm trở lại đây, chúng đã phổ biến hơn, được nhiều người tìm mua và sử dụng.
Nắm được nhu cầu lớn từ người dùng, năm nay các hệ thống siêu thị điện máy lớn cũng nhập về và bán loại loa này. Thậm chí, không ít trung tâm lớn còn bày biện loại loa kéo này ngay sảnh ra vào để tập trung sự chú ý của khách tham quan. Anh Phương, quản lý một siêu thị điện máy ở quận 3 tiết lộ, lượng khách hàng tìm hiểu và mua loa kéo rất đông, đặc biệt là vào dịp cuối tuần. "Số lượng người đến mua đầu năm 2018 tăng vọt, theo ghi nhận thì có khoảng 30 đến 40 chiếc mỗi ngày, cuối tuần có thể lên tới 50 đến 70 chiếc", anh Phương nói.
Trong khi đó, đại diện một chuỗi điện máy khác cho biết, doanh số bán với mặt hàng loa kéo tăng vọt trong những ngày cận Tết. Tuy không tiết lộ số liệu cụ thể, nhưng đại diện này cho rằng số lượng máy bán ra "lên tới hàng trăm" chỉ riêng khu vực Hà Nội và TP HCM.
Không chỉ siêu thị điện máy, các cửa hàng điện tử gia dụng cũng bán rất nhiều loa kéo. Ông Vinh (57 tuổi, quận 10), chủ một gian hàng bán đồ điện tử ở chợ Nhật Tảo cho biết: "Trước đây, tôi kinh doanh nhiều mặt hàng điện tử, nhưng kể từ khi loa 'kẹo kéo' và micro hát karaoke cầm tay kết nối Bluetooth thịnh hành, tôi đã chuyển hoàn toàn bán mặt hàng này. Bây giờ, tôi vẫn bán được vài chiếc mỗi ngày và hơn chục chiếc trong dịp cận Tết".
So với mọi năm, năm nay thị trường loa kéo xuất hiện đa dạng mẫu mã và chủng loại hơn để phục vụ người dùng với giá bán phải chăng. Chỉ từ 800.000 đồng, khách đã có thể sở hữu loa kéo cỡ nhỏ có chức năng kết nối Bluetooth với điện thoại. Trong khi đó, phân khúc giá được nhiều người mua nhất rơi vào tầm 3 đến 4 triệu đồng, được tích hợp thêm khả năng điều chỉnh nhạc (treble, bass, echo...), công suất loa cao hơn, bên trong có nhiều loa hơn... cũng như đi kèm một đến hai micro.
Nếu đắt tiền hơn, các mẫu loa sẽ được tích hợp thêm các tính năng như có kết nối Wi-Fi, ổ cứng gắn sẵn hoặc đầu karaoke, ampli và micro. Các thương hiệu loa phổ biến nhất hiện nay được ưa chuộng như JBL, Bose, Acnos... hay các thương hiệu ít tên tuổi hơn như Malata, Sansui, Temeisheng hay KTV.
Anh Trần Hưng (quận 7), một người khá am hiểu về loa di động, trong đó có loa "kẹo kéo", cho biết, để mua loa này, yếu tố quan trọng cần ưu tiên hàng đầu là phải xác định công suất máy sao cho phù hợp với gia đình. Hiện nay, loa kéo có dải công suất khá cao, từ 80 đến 800 W. Nhưng nếu nhu cầu sử dụng ở mức trung bình, không gian nhỏ thì công suất khoảng 100 W là đủ. "Không nên mua loa có công suất cao hơn, bởi nó vừa tốn tiền vừa gây phiền hà cho người xung quanh", anh Hưng nhấn mạnh.
Cũng theo anh Hưng, chất lượng âm thanh là yếu tố thứ hai cần phải có. Nếu có điều kiện, người dùng nên mua loa của các thương hiệu có tên tuổi, thử âm thanh và khả năng hoạt động của thiết bị trước khi mua để tránh việc không hài lòng về sau. Ngoài ra, thời lượng pin, tính năng đi kèm so với mức giá, các phụ kiện đi kèm hay chế độ bảo hành là yếu tố không thể bỏ qua khi chọn mua loa "kẹo kéo".
Bảo Lâm