Nhiều cửa hàng, siêu thị điện máy tại TP HCM bắt đầu bán loa kéo phục vụ dịp Tết với mẫu mã đa dạng, giá bán rẻ hơn mọi năm. Tại một cửa hàng bán đồ điện tử nằm trong chợ Nhật Tảo, quận 10 (TP HCM), có khoảng 5 người tìm mua loa kéo để phục vụ việc ca hát dịp Tết. "Tôi ở phòng trọ, không gian nhỏ nên không lắp được dàn karaoke. Tôi tìm mua một loa kéo khoảng ba triệu đồng để hát với bạn bè", anh Phú (quận 3) chia sẻ. Trong khi đó, ông Long (quận 10) cho biết đã có dàn máy nhưng vẫn mua thêm loa kéo để tụ tập ngoài trời vì nhà không có cách âm, sợ làm phiền hàng xóm.
Chỉ cần bỏ ra từ 150.000 đến 200.000 đồng, người mua đã có thể chọn được một mẫu nhỏ gọn. Không chỉ các cửa hàng điện tử như trước đây, chúng thậm chí xuất hiện trên vỉa hè tại nhiều đường như Trường Chinh (quận Tân Bình), Hùng Vương (quận 5), Xô viết Nghệ Tĩnh (quận Bình Thạnh)...
Lê Thu, chủ một tiệm điện tử có mặt hàng này trong chợ Nhật Tảo chia sẻ, mỗi ngày chị vẫn bán được khoảng 7-10 chiếc, cao điểm cuối tuần lên tới 20 chiếc ở đủ phân khúc giá, từ vài trăm nghìn đồng đến cả chục triệu đồng. "Năm nay loa có nhiều kiểu dáng, mẫu mã, kích thước, tính năng... nhưng rẻ hơn năm ngoái nên được ưa chuộng. Phân khúc khoảng 1-3 triệu có nhiều người chọn nhất", chị Thu cho biết. "Khách mua chủ yếu là thanh niên, gia đình trẻ, người trung niên... Bên cạnh việc hát karaoke, một số người tìm đến loại loa này để phục vụ trợ giảng, nghe nhạc hay đi du lịch".
Những mẫu giá rẻ chủ yếu có kích thước nhỏ, chất lượng hoàn thiện không cao, với các thương hiệu như Malata, Temeisheng, Ronamax, Shupu... thậm chí có tên hao hao giống nhãn hàng nổi tiếng như JBZ, Sonny... Chúng có thiết kế đa dạng, từ hộp vuông nhỏ đến kích thước vali cỡ lớn, màu sắc bắt mắt, có tay cầm ở trên và bánh xe phía dưới để thuận tiện di chuyển, kết nối Bluetooth để phát nhạc cũng như hỗ trợ khe cắm thẻ nhớ, USB. Công suất máy từ 40W đến 500W, bán kèm micro không dây, một số hỗ trợ remote.
Trong khi đó, các hệ thống siêu thị điện máy lớn TP HCM vẫn kinh doanh loa kéo chủ yếu là các thương hiệu có tên tuổi như Sony, JBL, Bose, Sansui... Chúng được xếp ngay cửa ra vào hoặc đầu gian hàng để gây chú ý. Anh Vũ Huy, quản lý một siêu thị trên đường Cách mạng tháng Tám (quận 3), cho biết doanh số bán hàng tăng mạnh từ giữa 12/2018. Dù không đưa ra con số cụ thể, người này tiết lộ lượng mua "lên đến hàng chục", thậm chí hơn 100 chiếc mỗi ngày.
Các mẫu loa cao cấp cũng có tính năng như thiết bị giá rẻ, nhưng tích hợp nhiều chức năng hiện đại hơn, như màn hình hiển thị, bộ nhớ trong với kho dữ liệu video, kết nối Internet qua Wi-Fi, một số chạy hệ điều hành Android để hát karaoke qua ứng dụng YouTube... Loa của máy cho âm thanh chất lượng cao, đồng thời công suất cũng lớn hơn, có thể lên tới 3.500W.
Anh Phi Hùng, một người từng kinh doanh thiết bị âm thanh tiết lộ, các mẫu loa "kẹo kéo" rẻ tiền, không tên tuổi chủ yếu xuất xứ từ Trung Quốc. Giá chỉ vài trăm nghìn đồng là vì sản phẩm bị bỏ qua hầu hết khâu kiểm định, dùng linh kiện kém chất lượng... trong quá trình sản xuất. "Những loa dạng này chủ yếu để 'phát ra tiếng', tức chất lượng âm thanh rất thấp. Máy thường xuyên gặp trục trặc như kết nối chập chờn, ngắt kết nối giữa chừng hoặc bị hỏng lúc nào không hay", anh Hùng khuyến cáo. "Thậm chí, chúng có thể gây dị ứng, nguy cơ cháy nổ do sử dụng thành phần chất lượng thấp".
Ông Huỳnh Phi, một người khá am hiểu về thiết bị âm thanh, cho biết người dùng trước khi chọn mua cần chú ý đến yếu tố âm thanh. "Những mẫu máy đều có tính năng tương tự nhau, nên chất lượng âm thanh phát ra là điều quan trọng nhất. Người dùng có thể thử tại chỗ nhiều mẫu cùng lúc để so sánh", ông Phi nói. "Sau đó, cần chọn công suất phù hợp với không gian để tránh làm phiền những người xung quanh".
Ông Phi cũng cho rằng, người dùng hạn chế chọn sản phẩm không có thương hiệu, giá quá rẻ. Các yếu tố như chế độ bảo hành, thời lượng pin, tính năng đi kèm so với mức giá, phụ kiện đi kèm... cũng là điều cần lưu ý khi chọn mua loa "kẹo kéo".
Bảo Lâm