Chỉ sau một tháng tại nơi ở mới thuộc thành phố Manchester, bang New Hampshire, con gái nhỏ tên Sunday Abek của gia đình Mary đột nhiên đổ bệnh, ngày 20/4/2000. Bé gái hai tuổi nhập viện khoa hồi sức tích cực với triệu chứng nôn mửa, sốt cao và trong tình trạng mê man.
Bác sĩ ban đầu cho rằng bé gái bị cúm nặng nhưng mọi phương pháp điều trị đều không hiệu quả. Dù làm nhiều loại xét nghiệm, bác sĩ không rõ nguyên nhân gây bệnh là gì. Ngày thứ ba nhập viện, nhiệt độ cơ thể Sunday tăng mạnh, não bị phù và tử vong sau hôn mê.
Cảnh sát mau chóng mở cuộc điều tra để làm rõ nguyên nhân cái chết của bé gái. Vì sự việc xảy ra đột ngột, trong gia đình lại chỉ có Sunday bị nạn, giả thuyết đầu tiên của cảnh sát là em bị đầu độc. Sự nghi ngờ rơi vào những người cùng nhà.
Điều tra viên phỏng vấn Mary nhưng thấy người này không có biểu hiện dối trá, cũng không có động cơ gây án. Khi điều tra viên hỏi về khả năng Sunday bị những anh chị em khác hạ độc, Mary gạt đi vì cho rằng đám con quá nhỏ, không biết gì.
Hàng xóm ngay bên cạnh gia đình Mary cũng là người gốc Sudan. Trước khi Sunday ốm, đứa bé nhà hàng xóm cũng bị ốm nhưng qua khỏi. Từ đây, cảnh sát đặt câu hỏi liệu có phải một số người trong địa phương thù ghét làn sóng người di cư nên đã nhắm vào hai gia đình tới từ Sudan? Tuy nhiên, giả thuyết này bị loại bỏ sau khi cảnh sát được biết nguyên nhân bệnh của bé nhà hàng xóm do cảm cúm nặng.
Cuộc điều tra ban đầu không có kết quả. Giới chức tại bang New Hampshire nghi ngờ đây có thể là bệnh lạ Sunday mắc phải từ khi ở Sudan nên gửi mẫu máu đi xét nghiệm toàn diện. Trong lúc đó, mọi thành viên trong gia đình Mary cũng được kiểm tra triệt để để phòng tránh nguy cơ bệnh truyền nhiễm. Tuy vậy, kết quả xét nghiệm cho thấy cả gia đình đều khỏe mạnh.
Hai ngày sau khi Sunday chết, điều tra viên nhận được kết quả xét nghiệm mẫu máu của bé gái. Nguyên nhân tử vong được kết luận là nhiễm độc chì vì trong máu của Sunday chứa lượng chì lớn gấp 40 lần liều gây chết ở trẻ em. Sunday là trường hợp đầu tiên tử vong do ngộ độc chì tại Mỹ trong vòng 10 năm trở lại.
Điều tra viên tiếp tục gửi mẫu máu của mọi thành viên trong gia đình đi xét nghiệm để tìm kiếm dấu vết chì. Tuy nhiên, lượng chì trong cơ thể mỗi người đều ở mức bình thường hoặc thấp. Điều này khiến điều tra viên không hiểu tại sao Sunday là người duy nhất trong gia đình bị phơi nhiễm chì.
Toàn bộ tòa nhà nơi Mary cư trú lập tức bị phong tỏa để giám định. Chuyên gia lấy mẫu của lớp sơn tường căn hộ - nguyên nhân gây ngộ độc chì phổ biến nhất. Kết quả cho thấy hàm lượng chì trong sơn tường chỉ rất nhỏ, phù hợp với tuổi tác của căn nhà nhưng hoàn toàn không đủ gây chết người. Lần lượt, chuyên gia giám định nguồn nước, không khí, dụng cụ nhà bếp, và đồ chơi,... trong khu căn hộ nhưng không đâu có chứa lượng chì đủ lớn tới mức chết người.
Không còn manh mối, điều tra viên tiếp tục cân nhắc khả năng Sunday bị trúng độc từ trước khi đặt chân vào Mỹ, có thể là do điều kiện sống khắc nghiệt tại trại tị nạn ở nơi trung chuyển tại Ai Cập. Nhà chức trách Mỹ làm việc với Bộ Y tế Ai Cập để kiểm tra mẫu đất, nguồn nước, không khí, và thực phẩm tại trại tị nạn nhưng không thấy điều gì bất thường.
Điều tra viên quay lại điều tra từ bản thân bé Sunday. Vì chì thường tích tụ tại tóc và dưới móng tay sau khi vào cơ thể, chuyên viên lấy mẫu tóc của Sunday để giám định. Mỗi tháng, tóc người dài ra khoảng 1,2 cm, mẫu tóc của Sunday dài khoảng 2,4 cm nên chuyên viên có thể dựa vào lượng chì trên sợi tóc để xác định thời điểm nhiễm độc trong khoảng thời gian hai tháng.
Sau khi đánh giá, chuyên viên kết luận phần ngọn tóc của Sunday có lượng chì rất nhỏ, trong khi phần gốc tóc chứa lượng chì cực lớn. Từ đó chuyên viên nhận định Sunday chắc chắn đã nhiễm độc chì trong một tháng trở lại, tức sau khi đặt chân tới Mỹ. Điều tra viên ắt hẳn đã bỏ sót điều gì trong cuộc điều tra ban đầu.
Điều tra viên phỏng vấn Mary kỹ hơn và lần này được biết thêm chi tiết mà chị ta chưa tiết lộ trong cuộc điều tra ban đầu. Mary nói Sunday dành nhiều thời gian chơi một mình trước hiên nhà của căn hộ, từng nghịch các thứ dưới sàn nhà. Trở lại căn hộ, điều tra viên thấy rằng lớp sơn của phần hiên nhà và lan can đã bong tróc gần hết do tác động của thời gian. Xét nghiệm tại hiện trường, chuyên viên kết luận lượng sơn ở nền đất trước hiên nhà và tại lan can cao gấp 37 lần so với mức quy định của pháp luật.
Để xác định đây có phải loại sơn khiến Sunday ngộ độc hay không, chuyên viên lấy mẫu đem đi đối chiếu. Kết quả cho thấy đồng vị hóa học của chì trong mẫu sơn trước hiên nhà giống với chì trong máu Sunday.
Từ đây, điều tra viên kết luận trong lúc chơi đùa, bé gái nhiều khả năng đã đưa mảnh sơn vỡ lên miệng mút hoặc cắn do tính tò mò của trẻ con. Vì sơn pha chì thường có vị ngọt, Sunday hay cho mảnh sơn tróc ra cho vào miệng. Nguyên nhân tử vong của Sunday đã được làm rõ, nhưng cuộc điều tra chưa thể kết thúc.
Lúc này, sự chú ý của điều tra viên chuyển hướng tới người phụ trách bảo trì căn hộ, James Aneckstein (36 tuổi). Rà soát giấy tờ liên quan, cảnh sát phát hiện James từng được thông báo rằng căn hộ này không đáp ứng tiêu chuẩn hiện hành về nồng độ an toàn chì.
Theo quy định pháp luật, chủ nhà hoặc quản lý nhà như James phải cảnh báo khách hàng về điều này khi cho thuê căn hộ đã được xây dựng trước năm 1978 – thời điểm Mỹ cấm dùng chì làm chất phụ gia trong sơn. Để chứng minh nghĩa vụ, James phải cho khách hàng ký văn bản xác nhận thể hiện rằng họ đã đọc thông báo. Khi được yêu cầu, James giao nộp bản sao của văn bản xác nhận cho nhà chức trách và ký giấy cam kết giấy tờ này được sao y bản chính.
Điều tra viên đối chiếu chữ ký đã biết của những người thuê căn hộ với chữ ký trên văn bản xác nhận và thấy rằng các chữ ký này không sai lệch nhau một chút nào. Như vậy, có khả năng James cắt dán chữ ký đã biết của người thuê nhà rồi dùng máy photocopy để sao chép sang văn bản xác nhận.
Đặc biệt, điều tra viên phát hiện trên văn bản xác nhận có chữ ký của Mary, tên của Mary được viết đầy đủ là "Mary Alorout". Tuy nhiên, từ cuộc điều tra đầu tiên, điều tra viên đã biết cả gia đình Mary không ai biết tiếng Anh nên chị ta khó có khả năng tự viết tên mình. Tại thời điểm ấy, Mary vẫn đang học tiếng và chỉ biết ký tên bằng dấu "X". Cảnh sát kết luận chắc chắn văn bản xác nhận mà James giao nộp đã bị làm giả.
Khám xét văn phòng của James, điều tra viên phát hiện dưới đáy thùng rác có hơn 60 mảnh giấy đã bị xé vụn. Dù mất nhiều thời gian, điều tra viên cuối cùng đã dán được các mảnh giấy lại với nhau, từ đó tìm ra bản gốc của giấy xác nhận có chữ ký giả mạo của Mary. Trên bản gốc này, chuyên viên tìm thấy dấu vân tay của James nhưng không thấy dấu vân tay của Mary. James lập tức bị bắt.
Công tố viên cáo buộc khi biết tin về cái chết của Sunday, James biết rằng mình có trách nhiệm trong sự việc nên đã tìm cách tạo giấy tờ giả để thoát tội.
Trước chứng cứ điều tra viên thu thập được, James cuối cùng nhận tội Cản trở công lý và lãnh 15 năm tù vào tháng 3/2002. James cùng công ty bất động sản cá nhân cũng bị tòa án phạt 40.000 USD. Tới năm 2003, James hòa giải với Mary trong vụ kiện dân sự và đồng ý bồi thường 700.000 USD.
Quốc Đạt (Theo Boston, AP)