Khi khối u to lên, sưng đỏ, lở loét, chảy dịch có mùi hôi, đau đớn không chịu nổi, bà mới tới Bệnh viện Xuyên Á, bác sĩ Huỳnh Kiến Thành, Phó trưởng khoa Ung bướu, ngày 19/9 cho biết. Kết quả mô bệnh học sau sinh thiết được chẩn đoán xác định bệnh nhân ung thư vú bên trái. Sau điều trị truyền hóa chất đợt một, khối u hiện đã không còn chảy dịch.
Theo bác sĩ Thành, gần đây do Covid-19 lan rộng, giãn cách kéo dài, nhiều người lo ngại không đến bệnh viện khi có vấn đề về sức khỏe. Bác sĩ khuyên người bệnh không nên quá lo lắng, bởi các bệnh viện đều thực hiện nghiêm các hoạt động, quy trình phòng tránh Covid-19 theo khuyến cáo của Bộ Y tế.
"Không đến bệnh viện thăm khám kịp thời có thể làm mất đi cơ hội 'vàng' điều trị, hoặc trì hoãn, bỏ dở điều trị khiến bệnh tiến triển nặng, tốn kém chi phí điều trị, thậm chí tử vong", bác sĩ Thành nói.
Hồi đầu năm, bệnh viện cũng tiếp nhận một phụ nữ 49 tuổi, ở Tây Ninh, bị hoại tử, phải đoạn nhũ do tự đắp thuốc nam chữa u vú mà không tới bệnh viện.
Bác sĩ Thành cho biết, với bệnh ung thư vú, nếu phát hiện ở giai đoạn sớm, bệnh nhân hoàn toàn có cơ hội điều trị khỏi bệnh. Do đó, phụ nữ trong lứa tuổi sinh đẻ và mãn kinh, khi phát hiện có khối u, cục trong vú, tiết dịch núm vú hoặc vú có bất thường, nên đến bệnh viện kiểm tra nhằm phát hiện sớm bệnh lý và có phương pháp điều trị kịp thời.
Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IACR) ghi nhận trong báo cáo năm 2020 về ung thư toàn cầu, bệnh ung thư vú ở Việt Nam đang gia tăng. Năm 2020 phát hiện 21.555 ca mắc mới, tăng hơn 6.300 ca so với năm 2018. Trong danh sách 5 bệnh ung thư hàng đầu Việt Nam, ung thư vú xếp thứ ba.
Thư Anh