Ngày 10/4, bác sĩ Lê Văn Thành, Bệnh viện K, cho biết bệnh nhân đã hai lần từ bỏ điều trị. Lần đầu là khi phát hiện bệnh, khối u thực quản còn nhỏ, ông nuốt vướng nhưng vẫn ăn uống được, xin về nhà uống thuốc nam. Sau hai tháng, người bệnh trở lại viện kiểm tra, khối u sưng to, các hạch di căn xâm lấn ăn thủng dạ dày. Ông từ chối sinh thiết, cho rằng "uống thuốc nam chưa đủ liều" nên xin về uống thuốc nam tiếp.
Một tháng sau, bệnh nhân trở lại viện trong tình trạng gầy, sút cân nhiều, ăn uống khó khăn, gần như không thể ăn được thức ăn đặc, cơ thể ốm yếu. Kết quả nội soi cho thấy khối u to chiếm gần hết lòng thực quản, hạch sưng to lên khiến quá trình nội soi rất khó khăn.
"Lúc này, khả năng điều trị gần như bằng không do bệnh nhân quá yếu không thể chịu đựng được phẫu thuật, hóa chất hay xạ trị", bác sĩ nói và bày tỏ tiếc do bệnh nhân bỏ lỡ thời gian vàng điều trị.
Ung thư thực quản đứng thứ 9 trong số các loại ung thư. Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, năm 2020 Việt Nam có hơn 3.200 ca mắc mới và hơn 3.000 ca tử vong do ung thư thực quản. 70% bệnh nhân đến viện khi ở giai đoạn tiến triển, khối u xâm lấn xung quanh hoặc di căn hạch, di căn xa.
Các yếu tố nguy cơ cao gây bệnh là thuốc lá, rượu bia. Người bị trào ngược dạ dày lâu ngày, người béo phì hoặc uống phải các chất có tính axit, chất phụ gia độc hại thuộc nhóm dễ bị ung thư thực quản.
Phác đồ điều trị phụ thuộc vào giai đoạn bệnh và thể trạng của bệnh nhân, gồm phẫu thuật, hóa chất, xạ trị và miễn dịch.
Khi có triệu chứng nuốt vướng, nuốt nghẹn, khàn tiếng, đau tức sau xương ức, nên đi khám để phát hiện sớm ung thư thực quản. Người có thói quen hút thuốc, uống rượu, trào ngược dạ dày, béo phì cũng nên khám sàng lọc bệnh.
Minh An