Theo dự báo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), vận hành hệ thống điện trong các tháng cao điểm nắng nóng (từ tháng 5 đến tháng 7) sẽ rất khó khăn. Hệ thống điện miền Bắc phải đối mặt với tình trạng thiếu khoảng 1.600-4.900 MW.
Tại hội nghị tiết kiệm điện ngày 22/5, Thứ trưởng Công Thương Đặng Hoàng An cho rằng, ngoài tăng sản xuất, cung ứng, việc sử dụng điện tiết kiệm được xem là một trong những giải pháp cấp bách trong bối cảnh nguồn cung khó khăn hiện nay.
"Bộ Công Thương kêu gọi và đề nghị các bộ, ngành sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả; nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp và cộng đồng về tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng", Thứ trưởng Đặng Hoàng An đề nghị.
Trong hai năm tới, Bộ này đặt mục tiêu tiết kiệm mỗi năm 2% tổng điện năng tiêu thụ; giảm tổn thất điện năng trên hệ thống về dưới 6% và giảm công suất đỉnh của hệ thống qua điều chỉnh phụ tải (DR) ít nhất 1.500 MW vào 2025.
Thực tế những ngày qua nguồn cung điện thiếu hụt do hạn hán, thiếu nước kéo dài làm lưu lượng nước về các hồ thủy điện. Việc này ảnh hưởng lớn đến khả năng phát điện của các nhà máy, trong khi nhu cầu dùng điện tăng cao do nắng nóng.
Ông Trần Đình Nhân, Tổng giám đốc EVN cho biết phụ tải toàn hệ thống điện quốc gia ngày 19/5 là gần 924 triệu kWh một ngày, mức cao nhất từ đầu năm và tăng 10,5% so với cùng kỳ. Công suất tiêu thụ cực đại đạt 44.600 MW, cao nhất lịch sử và tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh đó, công suất và sản lượng của các nhà máy điện gió cũng suy giảm sâu do gió kém, nên khả năng phát điện chỉ đạt 5,6% so với công suất lắp đặt của các nhà máy.
Để đảm bảo cung ứng điện, tập đoàn đã phải huy động các nguồn nhiệt điện chạy dầu (DO, FO), hệ thống điện đã không còn công suất dự phòng và có những thời điểm công suất khả dụng thấp hơn nhu cầu điện.
Hiện có 27 tỉnh, thành phố đưa ra yêu cầu người dân, doanh nghiệp sử dụng điện tiết kiệm. Với EVN, tập đoàn này yêu cầu các đơn vị trực thuộc áp dụng mọi giải pháp để tiết kiệm điện 15% so với cùng kỳ trong các tháng cao điểm nắng nóng (tháng 5-7).